Người khai mở nhiều lĩnh vực khoa học-công nghệ cao cho đất nước
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu (ảnh bên) là nhà vật lý kiệt xuất tầm cỡ quốc tế, người tiên phong, khai mở nhiều lĩnh vực khoa học-công nghệ cao cho đất nước, người thầy đã đào tạo và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ cán bộ khoa học-công nghệ; đồng thời là nhà tổ chức, quản lý và lãnh đạo khoa học tài ba, người đã xây dựng và thúc đẩy mạnh mẽ nhiều kênh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ,... Sau hơn nửa thế kỷ miệt mài cống hiến cho sự nghiệp phát triển khoa học-công nghệ, ông đã từ giã chúng ta vào lúc 11 giờ 52 phút ngày 23/1, hưởng thọ 84 tuổi
- Công nghệ chiết xuất hoạt chất từ quả kỷ tử có khả năng hỗ trợ điều trị Alzheimer
- Công nghệ Wi-Fi 7 nhanh hơn 2,4 lần so với Wi-Fi 6
- Lai Châu triển khai 46 nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Công nghệ phân tích hình ảnh của Việt Nam thu hút chú ý tại Tuần lễ CNTT Nhật Bản
- Thừa Thiên Huế phê duyệt quy hoạch khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin quy mô 3500 tỷ đồng
GS, TS Nguyễn Quang Liêm, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu ra đi là một tổn thất vô cùng to lớn của nền khoa học-công nghệ Việt Nam nói chung và của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói riêng, nơi ông đã làm việc và cống hiến từ năm 1969 cho đến nay.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21/7/1938, tại xã Hà Cầu, Hà Ðông, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Năm 1956, ông tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội. Từ năm 1956 đến 1960, sau khi tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc Trường đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Tháng 10/1960, ông được cử đi đào tạo tại Liên Xô. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, trí thông minh siêu việt và sự cần cù, miệt mài, được học tập và làm việc trong môi trường khoa học tiên tiến cùng những người thầy, đồng nghiệp là những nhà vật lý danh tiếng như Viện sĩ Bogoliubov của Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna, ông đã nhanh chóng đạt được học vị Tiến sĩ (1963) và Tiến sĩ khoa học Toán-Lý (1964), trở thành Giáo sư Vật lý của Trường đại học Tổng hợp Lomonosov danh tiếng từ năm 1968, khi mới 30 tuổi.
Thành tích nghiên cứu khoa học của ông đã được Nhà nước Liên Xô ghi nhận, trao tặng Giải thưởng Lê-nin về Khoa học và Kỹ thuật năm 1986; được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Kỹ thuật năm 1996, và nhiều giải thưởng khác. Năm 1982, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô; năm 1984 là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Ðức và Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba, là Chủ tịch Trung tâm Vật lý lý thuyết châu Á-Thái Bình Dương (APCTP), nhiệm kỳ 1996-2010.
Với vai trò là nhà khoa học và đào tạo đỉnh cao, ông đã được Ðảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách quản lý và lãnh đạo khác nhau. Năm 1969, ông được giao thành lập Viện Vật lý, trở thành Viện trưởng sáng lập Viện Vật lý cho đến năm 1975. Từ năm 1983 đến 1993, ông là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), là người kế nhiệm xuất sắc của Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Ðại Nghĩa-Viện trưởng sáng lập Viện Khoa học Việt Nam. Từ năm 1993 đến 1994, ông là Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia. Ông đã chủ trì xây dựng đề án thành lập và là người sáng lập nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo, xuất bản khác trong nước, như: Viện Khoa học vật liệu trực thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia; Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; tạp chí quốc tế Advances in Natural Sciences: Nanoscience and nanotechnology; Trường đại học Công nghệ thuộc Ðại học Quốc gia Hà Nội;...
Ở mọi cương vị, ông luôn thể hiện là người có tư duy bao quát, có tầm nhìn xa mang tính chiến lược, luôn quan tâm tới nghiên cứu khoa học cơ bản để làm nền tảng cho phát triển công nghệ. Ðiển hình như ông đã phát động và cổ vũ, tổ chức triển khai thành công Chương trình nghiên cứu vật liệu nano (khởi đầu từ năm 1997) và Chương trình phát triển vật lý (2015). Ông luôn định hướng các nghiên cứu phát triển công nghệ cao phục vụ cho những ứng dụng thực tế, đáp ứng nhu cầu thiết thực của đất nước, nổi bật như công trình thoát lũ ra Biển Tây cho đồng bằng sông Cửu Long, tạo được vùng trồng lúa phì nhiêu mà trước đó là nơi chứa phèn.
Với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, ông được nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước qua các thời kỳ tham vấn và ông đã tư vấn thành công nhiều chính sách quan trọng liên quan tới sự phát triển của đất nước.
Ông là đảng viên 53 năm tuổi Ðảng, là Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa V, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VI, VII và VIII; đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VII, VIII, IX và X. Ông đã được tặng thưởng nhiều Huân chương vì những thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học-công nghệ và đào tạo: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Ðộc lập hạng nhất, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân,...
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã ra đi, nhưng sẽ còn mãi những dấu ấn tốt đẹp, sự truyền cảm hứng tích cực của ông ở các lĩnh vực hoạt động khoa học-công nghệ, giáo dục đào tạo, quản lý, lãnh đạo. Tên tuổi của ông đã trở thành huyền thoại, niềm kiêu hãnh và là tấm gương sáng đẹp cho giới trí thức khoa học-công nghệ Việt Nam.
Lễ viếng và đưa tang dự kiến vào hồi 13 giờ 30 phút đến 16 giờ ngày 28/1/2022, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lễ an táng diễn ra cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Theo/nhandan.vn