Nhà thầu có quyền yêu cầu bên mời thầu làm rõ HSMT

08:15, 31/08/2020

Trường hợp hồ sơ mời thầu (HSMT) quy định không rõ ràng thì nhà thầu có quyền yêu cầu bên mời thầu làm rõ HSMT theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Công ty ông Nguyễn Văn Luyến (Quảng Ninh) đang tham dự một gói thầu, nội dung gói thầu yêu cầu:

- Về nhân sự: Yêu cầu phải có hợp đồng lao động; giấy tờ chứng minh nhân sự có tên trong danh sách đóng BHXH của nhà thầu tại thời điểm hiện nay.

- Về máy, thiết bị thi công chủ yếu dự kiến huy động để thực hiện gói thầu: Cần cẩu ≥ 3 tấn chuyên dụng chạy trên đường sắt = 1 cái.

- Về giải pháp kỹ thuật, yêu cầu của giải pháp thứ 9 - vận chuyển vật tư, vật liệu và bố trí thiết bị thi công:

Có giải pháp vận chuyển vật tư, vật liệu bằng phương tiện đường sắt; thi công lắp đặt bằng goòng cẩu tự hành trên đường sắt để không ảnh hưởng đến sản xuất của Chủ đầu tư: Đạt;

Không có giải pháp vận chuyển vật tư vật liệu bằng đường sắt: Không đạt.

Hiện nay các thiết bị goòng cẩu chạy trên đường sắt >=3 tấn chỉ có 1 đơn vị là Công ty CP Đường sắt Hà Lạng là doanh nghiệp hoạt động sử dụng vốn ngân sách là đang sở hữu. Trong khi đó tại công trường, các xe ô tô là phương tiện đường bộ chở than vẫn hoạt động được bình thường.

Ông Luyến đề nghị giải đáp:

- Chủ đầu tư vẫn yêu cầu các nhà thầu phải sử dụng đường sắt có đúng không? Đường sắt nằm cạnh băng tải cao hơn 4m cẩu không thể hoạt động hiệu quả; và đặc biệt khi các phương tiện thi công là goòng cẩu chiếm dụng đường sắt thì chủ đầu tư không thể sản xuất là cấp than xuống toa tàu được.

- Với các nội dung yêu cầu trong mời thầu nêu trên, chủ đầu tư có được đánh giá là vi phạm Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP về việc hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng hay không?

- Gói thầu này dành cho nhà thầu cấp nhỏ và siêu nhỏ, công ty có 857 lao động và doanh thu 140 tỷ đồng/năm có được tham gia không? Nếu chủ đầu tư chấp nhận cho nhà thầu có 857 lao động và doanh thu 140 tỷ đồng/năm trúng thầu gói thầu này thì phải gửi đơn khiếu lại đến cơ quan tổ chức nào yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng luật?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định trong HSMT)không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước. Theo đó, việc lập HSMT phải tuân thủ quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của bên mời thầu, chủ đầu tư.

Trường hợp HSMT quy định không rõ ràng thì nhà thầu có quyền yêu cầu bên mời thầu làm rõ HSMT theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, trường hợp thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, về kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điều 92 Luật Đấu thầu hoặc khởi kiện ra tòa án vào bất kỳ thời gian nào (Khoản 1 Điều 91 Luật Đấu thầu).

Chinhphu.vn