Nhật Bản: Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí
Chuyển đổi số báo chí - truyền thông là xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Nhật Bản, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí diễn ra khá nhanh, nhất là sau đại dịch Covid-19.
So với nhiều nước phát triển khác như Mỹ và Anh, quá trình chuyển đổi số ở Nhật Bản diễn ra khá chậm. Cho đến tháng 9-2021, Chính phủ Nhật Bản phải thành lập Cơ quan Kỹ thuật số nhằm đẩy nhanh quá trình này. Tuy nhiên, riêng với lĩnh vực báo chí, việc chuyển đổi số ở Nhật Bản lại diễn ra khá nhanh. Hiện nay, đa số các cơ quan báo chí ở Nhật Bản đều đã ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động tác nghiệp, sản xuất và xử lý thông tin.
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết các cơ quan báo chí đã thay đổi phương thức hoạt động theo hướng tăng cường sử dụng các phần mềm như Zoom hay Google Meet để giao ban, phỏng vấn hoặc tổ chức các hội thảo trực tuyến. Đến nay, các cơ quan báo chí vẫn tiếp tục tổ chức các sự kiện kết hợp linh hoạt giữa trực tuyến và trực tiếp.
Trong bối cảnh số lượng phát hành báo in và lượng khán giả xem truyền hình giảm, các cơ quan báo chí ở Nhật Bản đã thay đổi phương thức phát hành theo hướng đầu tư nhiều hơn cho các website và ấn phẩm trực tuyến.
Người dân Nhật Bản cập nhật tin tức trực tuyến.
Từ nhiều năm qua, hầu hết các tờ báo ở Nhật Bản đều áp dụng bán tin trên web song song với việc phát hành báo in. Một số cơ quan báo chí như NNA Japan, bộ phận chuyên cung cấp thông tin kinh tế thuộc hãng tin Kyodo News, chỉ phát hành bản epaper và bản tin trên web thay vì phát hành báo in.
Một số đơn vị như Nikkei Inc., nhật báo Yomiuri đã phát triển báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tăng sức hút với độc giả; hay Japan Times triển khai app tin tức để độc giả tiếp cận tin nhanh chóng hơn.
Nhận thức rõ chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề con người và tư duy, nhiều cơ quan báo chí ở Nhật Bản đã chú trọng tới việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ phóng viên và biên tập viên. Hiện nay, không ít phóng viên Nhật Bản, nhất là các phóng viên thường trú nước ngoài, có thể vừa quay phim và chụp ảnh, vừa viết bài và dựng video.
Bên cạnh đó, trong quá trình tác nghiệp, nhiều phóng viên đã chuyển sang sử dụng điện thoại hoặc máy ảnh để quay phim, thay vì các máy quay cồng kềnh; sử dụng các thiết bị di động như điện thoại hay máy tính bảng để xử lý video; dùng các phần mềm để dịch tài liệu, chuyển file âm thanh thành file văn bản để gỡ băng phỏng vấn, hoặc chuyển file văn bản thành các file âm thanh để sản xuất các tin phát thanh, từ đó giúp nâng cao năng suất lao động.
Hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí tại Nhật Bản được đánh giá cao do tiềm năng khai thác của thị trường còn rất lớn. Theo Công ty thống kê và dữ liệu người dùng Statista (Đức), ngành báo chí - truyền thông Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng trong những năm tới và đạt quy mô khoảng 2,9 ngàn tỷ USD vào năm 2026.
Minh Tuân (T/h)