Nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2024

15:38, 21/11/2024

Sau khi công bố báo cáo tài chính quý 3 với kết quả không mấy khả quan, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đề ra từ đầu năm.

Hóa dầu Petrolimex (PLC) hạ kế hoạch lợi nhuận 2024 xuống mức thấp kỷ lục

Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (HNX: PLC) vừa thông báo sẽ trình Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 về việc điều chỉnh các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh theo hướng giảm so với kế hoạch ban đầu. Đây là động thái đáng chú ý trong bối cảnh kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng.

Theo đó, công ty muốn được cổ đông thông qua việc hạ chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế từ mức 140 tỷ đồng về còn 65 tỷ, tương ứng giảm gần 54% so với kế hoạch ban đầu. Đồng thời, công ty cũng đề xuất giảm tỷ lệ cổ tức tối thiểu từ 10% xuống còn 5%.

Đại hội cổ đông bất thường sẽ được tổ chức dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, ngày đăng ký cuối cùng là 3/12, thời gian thực hiện từ ngày 10/12 đến 23/12.

Theo kế hoạch 2024 ban đầu đã được cổ đông thông qua, Hóa dầu Petrolimex đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 140 tỷ đồng, là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ 2008 đến nay.

Theo báo cáo kinh doanh 9 tháng đầu năm, công ty hóa dầu này ghi nhận doanh thu thuần giảm 17% so với cùng kỳ về khoảng 4.800 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế lao dốc còn gần 41 tỷ đồng, thấp hơn 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, công ty mới chỉ thực hiện chưa đến 30% chỉ tiêu lợi nhuận ban đầu. Còn nếu so với kế hoạch đang xin điều chỉnh, công ty thực hiện được 62% tiến độ.

Thiệt hại nặng do bão Yagi, Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) hạ mục tiêu lãi lẫn cổ tức

Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (Bảo hiểm Bảo Minh) đã công bố nghị quyết điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Theo đó, HĐQT Bảo hiểm Bảo Minh đã thông nhất với đề xuất của Ban điều hành tại tờ trình ngày 10/10, thông qua việc điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt tối thiếu 268 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 7%; tỷ lệ trả cổ tức đạt 7% vốn điều lệ.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 377 tỷ đồng; tỷ suất ROE và tỷ lệ chia cổ tức cùng ở mức tối thiểu 10%.

Trong quý 3/2024, Bảo hiểm Bảo Minh ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 1.284 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư giảm nhẹ, còn 2,9 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính giảm 33,6%, còn 148 tỷ đồng. Kết quả, Bảo hiểm Bảo Minh ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 40 tỷ đồng, giảm 59% với cùng kỳ năm trước.

Ban lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, kết quả kinh doanh quý 3/2024 giảm so với cùng kỳ là do trong quý 3/2024, nhiều khách hàng của tổng công ty gặp thiệt hại gây ra bởi cơn bão số 3 (Yagi), dẫn đến chi phí dự phòng bồi thường tăng đột biến, ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của tổng công ty đạt 3.387 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư giảm nhẹ, còn 9,3 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính giảm 34%, còn 277 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 3 quý đầu năm của Bảo hiểm Bảo Minh đạt 219 tỷ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Bảo hiểm BIDV giảm kế hoạch lãi năm nay do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi

Trước đó, một doanh nghiệp bảo hiểm lớn khác là Tổng Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Bảo hiểm BIDV, mã CK: BIC) đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm năm 2024 từ 5.570 tỷ đồng xuống 5.172 tỷ đồng, giảm hơn 7%.

Đối với kế hoạch lợi nhuận, Hội đồng quản trị sẽ căn cứ vào báo cáo của Tổng giám đốc sau khi có đầy đủ số liệu thiệt hại liên quan đến bồi thường thiệt hại bão Yagi để điều chỉnh, nếu cần thiết.

Báo cáo tài chính quý 3/2024 của BIC cho thấy doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 16% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.3 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí nhượng tái bảo hiểm tăng 93% lên 510 tỷ đồng khiến doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm tăng nhẹ 8%, đạt gần 984 tỷ đồng.

Chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh hơn doanh thu (tăng 17% so cùng kỳ, do chi phí bồi thường tăng 37% lên hơn 300 tỷ đồng) nên lãi gộp kinh doanh bảo hiểm giảm 21% còn 168 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lợi nhuận hoạt động tài chính cũng giảm 26% còn 81 tỷ đồng, kéo lãi ròng giảm 41% còn 71 tỷ đồng.

Theo giải trình của BIC, nguyên nhân giảm lãi ròng quý 3 chủ yếu do ảnh hưởng của bão Yagi làm tổng chi phí bồi thường tăng mạnh, tác động tiêu cực đến lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính.

Sanest Khánh Hoà (SKH) muốn giảm kế hoạch lợi nhuận 27,1%

Chỉ hoàn thành 57,3% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm 2024, CTCP Nước giải khát Sanest Khánh Hoà (mã SKH - UPCoM) xin ý kiến cổ đông hạ kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm 2024 để giảm áp lực tồn kho cho hệ thống phân phối, cũng như thực hiện các chiến lược nhằm tăng doanh thu và thị phần…

Theo đó, Sanest Khánh Hoà đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc giảm kế hoạch doanh thu 30,4% so với kế hoạch đầu năm, về 1.170 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 27,1% so với kế hoạch đầu năm, về 70 tỷ đồng. Thời gian lấy ý kiến dự kiến trước 16h ngày 19/11/2024.

Được biết, đầu năm 2024, Sanest Khánh Hoà lên kế hoạch doanh thu 1.680 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 96 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2024, Sanest Khánh Hoà ghi nhận doanh thu đạt 864,62 tỷ đồng, giảm 39,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 43,8 tỷ đồng, giảm 43,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 24,7%, lên 27,5%.

Với lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng đạt 54,98 tỷ đồng, Sanest Khánh Hoà chỉ hoàn thành 57,3% so với kế hoạch đầu năm mà cổ đông giao cho Ban điều hành và sẽ hoàn thành tới 78,5% so với kế hoạch mà Công ty vừa xin cổ đông điều chỉnh giảm về 70 tỷ đồng.

Cảng Thị Nại (TNP) điều chỉnh kế hoạch 2024 do lượng hàng hóa qua cảng giảm

HĐQT CTCP Cảng Thị Nại (UPCoM: TNP) đã thống nhất điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2024, do lượng hàng hóa thông qua Cảng Thị Nại 9 tháng đầu năm sụt giảm mạnh không đạt như kỳ vọng.

Cảng Thị Nại cho biết kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng còn bấp bênh, đối mặt nhiều rủi ro, bất định. Cụ thể, giá xăng dầu, nguyên vật liệu, giá cước vận tải và giá vàng thế giới biến động mạnh, tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu. Căng thẳng địa chính trị dai dẳng, vấn đề biển Đỏ, mức nợ cao đã tác động tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu.

Trong 9 tháng đầu năm, lượng hàng hóa thông qua Cảng Thị Nại giảm mạnh so với cùng kỳ. Đồng thời, trong quý 4, Cảng sẽ tiến hành nạo vét, do đó lượng hàng hóa trong các tháng cuối năm sẽ giảm làm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và hiệu quả kinh doanh năm 2024.

Ngoài ra, TNP nhận được công văn ngày 09/07/2024 của UBND tỉnh Bình Định về chủ trương chấm dứt hoạt động dự án khu trung tâm dịch vụ kho bãi Cảng Thị Nại và khu chế biến thủy sản tại Quốc lộ 19, xã Phước Lộc, Tuy Phước; theo đó, toàn bộ chi phí gần 3.6 tỷ đồng mà Công ty chi từ năm 2017 sẽ hạch toán vào chi phí năm 2024, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận năm.

Vì vậy, HĐQT TNP thống nhất điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2024 với sản lượng hàng thông qua cảng giảm từ 1,9 triệu tấn xuống còn 1,3 triệu tấn, tương ứng giảm gần 32%.

Tổng doanh thu điều chỉnh về 68 tỷ đồng, giảm 20% so với kế hoạch mà ĐHĐCĐ TNP thông qua ngày 16/04. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế giảm gần 42%, còn 14 tỷ đồng. Riêng kế hoạch cổ tức năm 2024 vẫn được giữ nguyên với tỷ lệ 18%.