Nhiều trang tin giả hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam
Theo VTC New, những năm gần đây, với sự phát triển bùng nổ của internet, bên cạnh những tiện ích, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các thách thức từ vấn nạn tin giả, thông tin xấu độc, sai trái thù địch gây bất ổn chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Những website hình thức như những trang báo điện tử xuất hiện ngày càng dày đặc trên internet. Nguy hiểm hơn, người dân rất dễ tin và coi những thông tin này như nguồn chính thống.
Nhiều trang tin giả có địa chỉ website như: tinhhoa.net, trithucvn.net hay Epochtimes (Đại Kỷ Nguyên)... Đặc điểm chung của những "trang thông tin" này là đều có giao diện bắt mắt, hình thức trình bày giống các trang báo điện tử.
Trang tin giả đăng tin, bài sai sự thật theo hướng cực đoan, suy diễn. Lợi dụng các sự kiến nóng để thu hút nhiều người quan tâm.
Tuy được thiết kế công phu, bài bản nhưng một đặc điểm dễ nhận biết của những website này là đều không có bất cứ thông tin mô tả gì về trang như địa chỉ, thông tin liên lạc và không có cơ quan chủ quản.
Toàn bộ các "trang thông tin" này đều không được cấp phép và hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam. Các trang tin Đại Kỷ Nguyên, tinhhoa.net, trithucvn.net đều không có mặt trong danh sách các báo điện tử, trang thông tin điện tử được cấp phép đăng công khai trên website của Bộ TT-TT.
Về nội dung, các thông tin được đưa trên các trang này chủ yếu theo hướng suy diễn, thiếu căn cứ, thiếu kiểm chứng hoặc tổng hợp các thông tin tiêu cực rồi diễn giải từ các nguồn báo chí chính thống. Đa phần nội dung từ các "trang thông tin" này đều mang hơi hướng cực đoan, đưa tin giả, bóp méo sự thật.
Đặc biệt, những trang tin này thường lợi dụng các sự kiện nóng để thổi phồng, đưa những thông tin dạng dự đoán, đánh vào tâm lý của người đọc. Chính vì vậy, tin, bài của những website này thường nhận được sự quan tâm lớn của người đọc và được chia sẻ rộng rãi.
Đặc điểm chung của các trang này là đều không có bất cứ thông tin mô tả gì về trang như địa chỉ, thông tin liên lạc và không có cơ quan chủ quản.
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, thời gian qua, không chỉ những trang cá nhân đưa những thông tin phiến diện, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng, hoặc thông tin gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phân biệt chủng tộc, tôn giáo... mà còn có những trang thông tin điện tử.
Những trang này cung cấp những thông tin độc hại cho người đọc. Các trang này đều đặt tên Việt Nam, thiết kế bắt mắt, chuyên nghiệp làm người đọc nhầm tưởng là các trang báo chí Việt Nam nên chia sẻ mà không hề biết mục đích xấu của những trang thông tin này.
"Điều này dẫn đến tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và các đối tượng phản động, cực đoan chính trị tuyên truyền xuyên tạc, chống phá gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội", ông Bình phân tích.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Luật An ninh mạng nghiêm cấm các hành vi tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.
Nghiêm cấm các hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội...
Ngày 15/4/2020, Nghị định 15/2020 sẽ chính thức có hiệu lực pháp luật thay thế cho Nghị định 174/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
"Theo đó, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về tên của tổ chức quản lý trang thông tin điện tử, tên cơ quan chủ quản (nếu có), địa chỉ liên lạc, thư điện tử, số điện thoại liên hệ, tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung trên trang chủ của trang thông tin điện tử.
Phạt 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật; Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Phạt 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Đăng, phát, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia; Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.
Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và yêu cầu khắc phục hậu quả", luật sư nêu.
Bên cạnh đó, theo luật sư Diệp Năng Bình, các cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Tùy theo mức độ có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
"Trước thực trạng trên, chúng ta cần nhận diện rõ thông tin xấu, độc, từ đó đẩy lùi tác động của nó đối với nhận thức của mỗi người. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần công bố công khai danh sách các trang vi phạm cho người dân nắm rõ", luật sư Bình nói.
Nguyệt Hằng (T/H)