Nhu cầu robot dịch vụ tăng mạnh trong mùa dịch Covid-19
Giãn cách xã hội để hạn chế dịch Covid-19 lây lan tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về robot dịch vụ được trang bị trí thông minh nhân tạo (AI).
Nhu cầu sử dụng robot dịch vụ đang nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới khi dịch Covid-19 buộc mọi người trong xã hội phải giữ khoảng cách nhất định với nhau. Trước đây, robot thường đứng sau hậu trường để tăng cường hiệu quả trong các nhà máy hoặc một vài nơi khác. Nhưng bây giờ, robot đã trở thành tâm điểm chú ý như một đối tác đáng tin cậy để giữ an toàn cho mọi người trong thời gian đại dịch diễn ra.
Vận chuyển, khử trùng và các công việc hằng ngày khác đang được các robot dịch vụ xử lý nhằm giảm sự tiếp xúc giữa người với người và giúp hệ thống chăm sóc y tế hiện trong tình trạng quá tải ở nhiều quốc gia. Những cỗ máy này thay thế cho nguồn nhân lực và ngày càng thông minh hơn với sự hỗ trợ của AI.
Thị trường robot dịch vụ toàn cầu có khả năng đạt tổng giá trị khoảng 37 tỉ USD trong vài năm tới. Các công ty ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và những nước khác đang gấp rút thương mại hóa robot dịch vụ. Khả năng ra mắt sản phẩm mới nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu thị trường chính là chìa khóa thành công trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, hoạt động vận hành robot dịch vụ hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế đã nhanh chóng lan rộng khắp nơi.
Mira Robotics là nhà phát triển robot có trụ sở tại thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa gần Tokyo chuyên về thiết bị cánh tay robot. Kể từ tháng trước, công ty đã nhận được năm yêu cầu sản phẩm mới liên quan đến dịch Covid-19 từ các khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước. Cụ thể, Ken Matsui, Giám đốc điều hành công ty, cho biết ông “nhận được lời hỏi thăm từ Pháp, Singapore và các nơi khác về việc liệu sản phẩm của chúng tôi có thể sử dụng để khử trùng hay không”. “Chúng tôi đang tiến hành việc phát triển để làm cho robot có khả năng thực hiện công việc khử trùng”, ông Matsui nói.
ZMP, một nhà phát triển robot khác có trụ sở tại Bunkyo, Tokyo, cũng đã thêm chức năng phun thuốc khử trùng vào robot tự lái PATORO. Dựa theo thông tin vị trí thu được từ camera và cảm biến của mình, PATORO có thể phun thuốc khử trùng lên lan can và những nơi khác trong khi đi tuần tra ở một địa điểm xác định.
Mặc dù các nhà phát triển robot Nhật Bản vội vàng thương mại hóa robot để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, nhưng dường như Trung Quốc mới là người dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt để cung cấp robot dịch vụ trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt khi virus SARS-CoV-2 bùng phát đầu tiên ở nước này.
Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, hoạt động vận hành robot dịch vụ hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế đã nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc. Ví dụ, tại nơi dịch bệnh bắt đầu là Vũ Hán, robot tự lái được sử dụng thường xuyên hơn, thay cho con người tại các bệnh viện để cung cấp bữa ăn cho người ở khu vực cách ly. Một bệnh viện ở Thâm Quyến đã hoàn toàn chuyển sang dùng robot được trang bị AI do UBTECH Robotics phát triển để kiểm tra nhiệt độ và cung cấp dịch vụ tiếp tân. Robot này đã dựa vào máy ảnh và cảm biến để nhận diện khuôn mặt của bệnh nhân tại bàn tiếp tân và đo nhiệt độ của họ ngay lập tức. Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị bay không người lái để cung cấp vật tư y tế giữa các bệnh viện cũng được áp dụng.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Fuji Keizai, công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Tokyo, đã dự báo rằng thị trường toàn cầu cho robot dịch vụ sẽ mở rộng khoảng 2,6 lần trong giai đoạn 2018 - 2025. Song, một thách thức lớn đối với việc sử dụng robot dịch vụ được trang bị AI là chi phí cao. Một robot sử dụng công nghệ tự lái có giá hơn 1 triệu yen (khoảng 9360 USD), Nikkei dẫn nguồn tin quen thuộc cho biết.
Sự không chắc chắn về lợi tức đầu tư của robot là một rào cản cho khả năng mở rộng mạnh mẽ sản phẩm này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, vẫn có những cơ hội tốt cho các công ty có khả năng nhanh chóng đưa robot dịch vụ của họ ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Phương Anh (T/h)