Những quy định mới nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ

15:05, 14/09/2022

Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 63/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

Theo đó, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới đơn vị hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

Trụ sở Bộ Nội vụ.

Về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ trình Chính phủ đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội; đề án, dự thảo nghị định của Chính phủ về thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp huyện).

Bộ cũng thẩm định dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục và tổ chức tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; đề án và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước và các tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ...

Về quản lý biên chế, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức, biên chế công chức làm việc ở nước ngoài của các cơ quan, tổ chức hành chính và biên chế của các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền; trình Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.

Quyết định giao, điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức đối với từng cơ quan, tổ chức hành chính và hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền; quyết định giao biên chế công chức làm việc ở nước ngoài đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi được cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, thẩm định kế hoạch số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.

Về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ, Bộ Nội vụ thống nhất quản lý về mã số ngạch công chức, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức; quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nội vụ; hướng dẫn, kiểm tra việc xác định cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm trong cơ quan nhà nước; thẩm định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định, phê chuẩn theo quy định của pháp luật.

Bộ Nội vụ có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm, bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp, tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức, thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, tiêu chuẩn chức danh, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức và các nội dung quản lý khác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật...

Liên quan đến chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về chính sách, chế độ tiền lương, phụ cấp, sinh hoạt phí, tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức từ trung ương đến cấp xã và lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền về thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước.

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Nội vụ có 16 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước gồm: Vụ Tổ chức - Biên chế, Vụ Chính quyền địa phương, Vụ Công chức - Viên chức, Vụ Tiền lương, Vụ Tổ chức phi chính phủ, Vụ Cải cách hành chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Công tác thanh niên, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ.

4 đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ gồm: Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Trung tâm Thông tin.

Nghị định 63/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2022, thay thế Nghị định 34/2017/NĐ-CP.

Bảo Trân (T/h)