Phát huy tiềm lực của đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển đất nước
Chiều 23/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước”.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam (1983- 2023), Liên hiệp Hội đã tổ chức hội thảo nhằm hướng tới hoạt động kỉ niệm 40 năm, đồng thời thông qua hội thảo có thể phát hiện được những giải pháp hay, đánh giá công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức KH&CN, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA đã nhấn mạnh, trí thức Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng quan trọng không tách rời với dân tộc, với đất nước. Nhận thức được vai trò quan trọng của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trí thức kiều bào nói riêng, trong đó, gần đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.
Theo Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tương đương khoảng 600.000 người. Số này gồm 2 bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4 của người Việt ở sở tại, tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây.
Hằng năm trung bình có khoảng 300-500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người ở Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ, triển khai các dự án hợp tác trong giảng dạy, đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam...
Bên cạnh các kết quả đạt được, còn tồn tại nhiều bất cấp trong việc việc triển khai các cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng cán bộ trí thức kiều bào.
Chỉ ra một số bất cập, ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế KH&CN (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) cho rằng, các chính sách đã được ban hành chưa đủ mạnh, vẫn thiên về trọng đãi hơn là trọng dụng và nhiều chế độ ̣ưu đãi hiện nay không ̣còn phát huy hiệu quả.
Về tổ chức thực hiện chính sách, ở một số nơi, một số cấp, thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu cũng là rào cản đối với sự nhiệt tình đóng góp của trí thức kiều bào cho đất nước. Do đó, nhiều trí thức vẫn còn băn khoăn, nghi ngại, chưa yên tâm về làm việc lâu dài ở Việt Nam, thậm chí có một số trường hợp đã về nước làm việc ổn định nhưng lại phải trở ra nước ngoài…
Quang cảnh Hội thảo.
Theo ông Phạm Việt Hùng, bên cạnh việc trở về nước trực tiếp tham gia vào các dự án, hoạt động nghiên cứu khoa học, tham mưu chính sách cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự chia sẻ và đóng góp trí tuệ "từ xa" đã trở thành một xu hướng chung được đông đảo chuyên gia, trí thức kiều bào lựa chọn, vừa bảo đảm duy trì ổn định cuộc sống của kiều bào ở sở tại vừa có thể tạo ra những giá trị tích cực góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Do đó, đề xuất tăng cường thu hút nguồn lực chất xám của kiều bào "từ xa", gián tiếp, như giảng dạy ngắn hạn, tư vấn, chuyển giao công nghệ cao, làm cầu nối mời chuyên gia quốc tế đến Việt Nam, thay vì phải quay về Việt Nam làm việc dài hạn.
Ngoài ra, do hiện chưa có một cơ chế chung mang tính thống nhất để các cơ quan trong nước và địa phương cùng áp dụng trong việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi các thông tin, ý kiến đóng góp và tư vấn của đội ngũ chuyên gia, trí thức kiều bào, trong thời gian qua đã xảy ra một số trường hợp chuyên gia, trí thức kiều bào gặp khó khăn khi muốn kết nối, trao đổi và chia sẻ những góp ý, sáng kiến, đề xuất chính sách cho các bộ ngành, địa phương. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế chung để tất cả các cơ quan Trung ương và địa phương áp dụng là hết sức cần thiết trong thời gian tới.
Mỗi địa phương, bộ, ngành cần dựa trên đặc điểm và nhu cầu thực tiễn để xây dựng những chiến lược và chính sách linh hoạt nhằm trọng dụng nguồn nhân lực tài năng phù hợp. Tránh trường hợp áp dụng rập khuôn, máy móc, hưởng ứng theo phong trào, không thiết thực, hiệu quả, gây lãng phí nguồn chất xám của đất nước.
Bên cạnh đó, hội thảo có tới 12 tham luận của các đại biểu đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau nhằm đóng góp ý kiến, phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua hội thảo, Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, hiện nay, số chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam duy trì ở mức khoảng 300 lượt người/năm (chưa bao gồm số vào Việt Nam dự hội nghị, hội thảo và các đoàn trao đổi ngắn hạn). Trí thức kiều bào ngày càng tham gia một cách trực tiếp và sâu rộng vào các quá trình hợp tác, cùng đồng hành tích cực với Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đi vào những vấn đề “nóng”, phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhu cầu của Việt Nam như khởi nghiệp sáng tạo, các vấn đề về cách mạng công nghiệp 4.0....
Ông Mai Phan Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao đọc tham luận trong buổi hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nêu ý kiến về một trường hợp tiêu biểu trong việc tận dụng tốt việc huy động chất xám của kiều bào. Hàn Quốc từ thập kỷ 70 đã ban hành chính sách “Nhập khẩu chất xám Hàn kiều”. Những Hàn kiều có ý định về nước để đóng góp cho xã hội khi đủ điều kiện sẽ được phục hồi quốc tịch Hàn Quốc, thậm chí nếu họ là người có năng lực còn được phép ứng cử vào Quốc hội nước này. Đồng quan điểm, GS.VS. Nguyễn Quốc Sỹ chỉ ra thêm “Không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi trí thức là người Việt Nam mà phải hết sức chú ý tới việc thu hút trí thức là người nước ngoài, tính tới việc sử dụng tại chỗ, tại quốc gia mà họ đang làm việc hoặc mời họ tham gia các dự án của đất nước ta”.
Trí thức Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Cùng với đội ngũ chuyên gia trong nước, trí thức kiều bào đã góp phần thu hẹp khoảng cách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam với các nước phát triển. Tận dụng được nguồn lực trí thức Việt Nam ở nước ngoài là góp phần vào công cuộc phát triển toàn diện của đất nước.
Khôi Nguyên (T/h)