Phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc theo mô hình mở

14:46, 27/12/2021

Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang dần trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, tập trung hoạt động đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao.

Tính đến nay, Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư (riêng năm 2021, thu hút được 6 Dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5.590 tỷ đồng), trong đó có 86 dự án trong nước (chiếm tỷ lệ 86%) và 14 dự án đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ lệ 14%) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376 ha.

Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, cho biết: "Hiện nay, tại khu công nghệ cao Hòa Lạc có trên 24.000 người đang học tập và làm việc, với khoảng 9.500 học sinh, sinh viên và khoảng 14.500 người lao động. Trong đó số lượng lao động có trình độ đại học và tương đương trung bình đạt trên 50%, thậm chí có những dự án, tỷ lệ này đạt trên 90%. Đặc biệt, đã có sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngay trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cụ thể: giữa Công ty Cổ phần DT&C Vina và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Vinsmart trong lĩnh vực thử nghiệm tương tích điện từ, an toàn điện cho các sản phẩm điện, điện tử, thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông".

Các dự án đầu tư tại khu công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, công nghệ sinh học phục vụ y tế, công nghệ cơ khí chính xác, công nghệ tự động hóa... Nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã chính thức được khởi công ngày 9/1/2021. Dự kiến, khi hoàn thành sẽ thu hút các nguồn lực để tăng cường hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng và Việt Nam nói chung.

Lý giải về việc thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa như kỳ vọng, ong Trần Đắc Trung cho rằng: "Các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư nước ngoài thường có nhu cầu quy mô diện tích đầu tư lớn và tiến độ bàn giao đất khá nhanh, trong khi quỹ đất liền khoảnh với diện tích lớn tại khu công nghệ cao Hòa Lạc không có nhiều, nếu có thì bị vướng mặt bằng chưa được giải phóng và không thể xử lý nhanh được để đáp ứng ngay yêu cầu của nhà đầu tư".

Mặt khác, các nhà đầu tư thường đề nghị được xây dựng dự án thành tổ hợp khép kín bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ nhà ở… Tuy nhiên, theo quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 27-5-2016, khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được quy hoạch và phân chia các khu vực theo các chức năng cụ thể. Vì vậy, Ban quản lý không thể đáp ứng yêu cầu trên của nhà đầu tư. Ngoài ra, các dự án đầu tư của các bộ, ngành, địa phương hoặc các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của nước ngoài đầu tư tại khu CNC Hòa Lạc triển khai chậm, chưa thực sự hiệu quả.

Thời gian tới, khu công nghệ cao Hòa lạc sẽ đẩy mạnh hợp tác với trường đại học, viện nghiên cứu trong đào tạo, chuyển giao công nghệ, hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao, các start-up tại khu; tăng cường hợp tác quốc tế với nước ngoài, nhằm nâng cao tiềm lực công nghệ cao và tiếp cận với các nhà đầu tư lớn. Năm 2022 và những năm tiếp theo, để thu hút nhà đầu tư và sử dụng đất, hạ tầng hiệu quả, Ban quản lý sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và y tế. Bởi đây là các lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng, điều kiện phát triển cũng như nhu cầu của thị trường lớn và cũng là những lĩnh vực hiện nay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có thế mạnh với các hệ sinh thái đang dần hình thành.

Bên cạnh đó, khu công nghệ cao cũng sẽ tập trung thu hút đầu tư các tập đoàn doanh nghiệp lớn trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ và tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp đã đầu tư ổn định tại thị trường Việt Nam và ASEAN đầu tư mở rộng các hoạt động nghiên cứu để phát triển sản phẩm; thu hút các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía Bắc trong các lĩnh vực công nghệ cao được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Việc này vừa bảo đảm nhu cầu nghiên cứu phát triển của các ngành lĩnh vực, vừa tạo được tiềm lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao của khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập từ năm 1998. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, khu CNC Hoà Lạc có quy mô diện tích là 1.586 ha và nằm trên địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Mục tiêu đặt ra là phát triển khu CNC Hòa Lạc theo mô hình mở, là đầu mối quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, có hạ tầng hiện đại và thông minh, là nơi thúc đẩy phát triển chuỗi hoạt động tri thức và công nghệ giữa trường đại học, tổ chức nghiên cứu và triển khai, doanh nghiệp và thị trường. Đến năm 2030, khu CNC Hòa Lạc cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng và đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo mô hình đô thị thông minh, góp phần xây dựng thành phố đổi mới sáng tạo Hòa Lạc, là phần lõi của đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Nguyệt Hằng (T/h)