Phong trào Bình dân học vụ số: Trường đại học giữ vai trò kiến thiết
Trường đại học đóng vai trò xây dựng khung chương trình đào tạo, huy động nguồn nhân lực là sinh viên, giảng viên trẻ để hướng dẫn người dân nâng cao năng lực số, nhằm hiện thực hóa chương trình “Bình dân học vụ số”.
Sinh viên hỗ trợ người cao tuổi tại Quận 3, TPHCM các kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh. Ảnh: Tiên Trinh
Khung chương trình dựa theo năng lực
PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết: Để thực hiện hiệu quả phong trào “Bình dân học vụ số”, trước tiên cần tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu của các nhóm đối tượng như công chức, người dân, doanh nghiệp đồng thời xác định các khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số.
Việc khảo sát này là cơ sở để thiết kế chương trình phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Các khóa học ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số sẽ được thiết kế và đào tạo trực tuyến để người dân dễ dàng tiếp cận. Các trường đại học có thể tham gia thiết kế khóa học phù hợp, nhằm giải quyết các khó khăn thực tế của người dân và doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân, việc thiết kế khóa học cần mang tính thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế và đòi hỏi sự góp mặt của các “nhân tài chuyển đổi số” - những người làm việc trong các cơ quan Nhà nước, có đam mê công nghệ và tiên phong khi ứng dụng công nghệ số vào công việc. Đây là những cá nhân chịu khó nghiên cứu, chủ động đưa công nghệ vào giải quyết công việc hiệu quả hơn.
Khi xây dựng chương trình “Bình dân học vụ số”, cần phát hiện và huy động lực lượng này vì họ có kinh nghiệm thực tiễn trong chuyển đổi số. Họ sẽ phối hợp với đội ngũ giảng viên đại học để thiết kế các khóa học. Giảng viên đại học có thế mạnh về kỹ năng sư phạm, kiến thức chuyên môn.
“Sự kết hợp giữa lý thuyết của giảng viên và kinh nghiệm thực tiễn của các nhân tài công nghệ sẽ tạo nên những bài học sát với nhu cầu thực tế, giúp ích cho nhiều người dân”, PGS Ngân nhấn mạnh.
ThS Văn Chí Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) nhận định: Để đạt mục tiêu phổ cập kiến thức công nghệ số cho đại bộ phận người dân TPHCM, cần có các giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ.
Việc khảo sát, đánh giá hiện trạng năng lực chuyển đổi số của các nhóm đối tượng sẽ là nền tảng để xây dựng khung năng lực số phù hợp. Đối với học sinh, sinh viên, ông Nam cho rằng năng lực số đã được trang bị qua môn Tin học ở bậc tiểu học, do đó, đây là nhóm dễ triển khai nhất trong chương trình “Bình dân học vụ số”.
Về sản xuất nội dung đào tạo, theo ông Nam, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều cá nhân nổi tiếng và những người chuyên sản xuất nội dung hấp dẫn. Nếu huy động được lực lượng này tham gia phối hợp, phát huy nguồn lực xã hội trong việc thiết kế bài giảng mang tính sáng tạo và thực tiễn cao, hiệu quả chương trình sẽ được nâng cao và thu hút được nhiều người dân tham gia.
Ông Nam đề xuất tận dụng các nhà sinh hoạt cộng đồng tại khu phố, phát huy nguồn lực xã hội để triển khai chương trình. Đồng thời, cần đầu tư trải nghiệm công nghệ số tại địa bàn dân cư, đặc biệt hướng đến người cao tuổi và người lao động, nhằm giúp họ nâng cao kỹ năng sử dụng nền tảng số.
“Nếu người cao tuổi trong gia đình tiên phong học tập, nâng cao năng lực số thì sẽ là tấm gương khích lệ các thành viên khác trong gia đình cùng tham gia”, ThS Văn Chí Nam nhìn nhận.
Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai chương trình “Bình dân học vụ số”. Ảnh: Vũ Hoàng
Sinh viên đóng vai trò nòng cốt
Ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, Thành đoàn TPHCM, cho biết: Sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị được ban hành và Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” toàn dân, đơn vị đã nhanh chóng phối hợp với một số trường đại học thành lập các nhóm chuyển đổi số cộng đồng.
Đến nay, Thành đoàn TPHCM đã vận động hơn 800 sinh viên trực tiếp đến từng hộ dân, khu phố, phường, xã để triển khai chương trình. Trong giai đoạn thử nghiệm, lực lượng sinh viên đã được tập huấn kiến thức công nghệ cơ bản, sử dụng ứng dụng “Công dân số TPHCM”, thực hành các giao dịch không tiền mặt, sử dụng ví điện tử...
“Sinh viên với nhiệt huyết tuổi trẻ đã nhận được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương và người dân”, ông Thành chia sẻ.
Sau hơn 1 tháng triển khai, đội hình chuyển đổi số cộng đồng đã tập huấn cho hơn 5.000 hộ dân. Bên cạnh đó, các đội hình cũng túc trực tại trụ sở UBND phường, xã để hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số trong lúc chờ làm thủ tục hành chính.
Theo ông Thành, với cách làm này cùng việc huy động lượng lớn sinh viên từ tất cả các trường đại học, chương trình hoàn toàn có thể mở rộng ra nhiều địa bàn tại TPHCM. Khi tham gia, sinh viên không chỉ nâng cao kỹ năng giao tiếp, mà còn được trang bị thêm kiến thức về chuyển đổi số và các công cụ của thành phố, từ đó hỗ trợ ngược lại cho cộng đồng.
Theo tính toán, nếu huy động được khoảng 600.000 sinh viên tại TPHCM, mỗi sinh viên giúp đỡ được 10 người thì chương trình có thể tiếp cận một số lượng dân cư rất lớn.
Các trường đại học có thể tận dụng khu vực sinh hoạt cộng đồng để tổ chức các buổi tập huấn tập trung, đồng thời có thể tổ chức tại hộ gia đình, trụ sở phường, khu phố… cùng với các hình thức trực tuyến khác. “Với sự tham gia của cơ quan chức năng, các trường đại học trong việc thiết kế chính sách, triển khai bài giảng, xây dựng khung năng lực số, kết hợp cùng nguồn lực xã hội và đoàn thể, chương trình “Bình dân học vụ số” hoàn toàn có thể được phổ cập trong thời gian ngắn”, ông Thành khẳng định.
Ứng dụng công nghệ, sáng tạo nội dung
TS Nguyễn Thị Huyền, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, để nâng cao năng lực số cho người dân, cần triển khai các bài giảng ngắn, trực quan, sinh động nhằm tăng tính hấp dẫn và khả năng tiếp thu. Các nền tảng trực tuyến như Zalo, TikTok, YouTube… nên được tận dụng để xây dựng các bài giảng dưới dạng video phục vụ đào tạo cộng đồng.
TS Huyền cũng đề xuất ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo như chatbot để hỗ trợ người học trực tuyến, giúp giải đáp thắc mắc, theo dõi tiến độ học tập và đánh giá năng lực cá nhân thông qua các bài kiểm tra. Ngoài ra, bà đề xuất xây dựng các trạm học tập số di động, trang bị thiết bị học tập cho các khu dân cư vùng sâu, vùng xa - nơi người dân còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ.
Ủng hộ mô hình của Thành đoàn TPHCM, TS Huyền cho rằng việc người trẻ hướng dẫn chuyển đổi số cho người lớn tuổi là rất thiết thực, vì đây là nhóm đối tượng còn hạn chế trong tiếp cận công nghệ và dễ trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo trên môi trường mạng.
Ngày 22/4, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã ký kết biên bản ghi nhớ với Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM về triển khai chương trình “Bình dân học vụ số”. Theo đó, trong tháng 5/2025, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM sẽ phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, ra mắt đội tình nguyện công nghệ số cộng đồng và kêu gọi các giới, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào này. Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM sẽ sản xuất các ấn phẩm truyền thông số (video, infographic, bài đăng mạng xã hội), tổ chức lớp học, tọa đàm kỹ năng số, ra mắt nền tảng học liệu số miễn phí. Đồng thời, đơn vị sẽ triển khai đào tạo phổ cập trí tuệ nhân tạo (AI) trực tuyến và lồng ghép năng lực số vào tiêu chí thi đua hằng năm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. |