Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG giúp tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận
Ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm tích hợp ESG vào chiến lược phát triển, bởi ESG không phải là một “món trang sức” mà là sức mạnh để doanh nghiệp phát huy giá trị cốt lõi. Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG sẽ giúp tạo ra lợi nhuận, tiết giảm chi phí…
Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG giúp tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận - Ảnh minh họa.
Tại hội thảo "Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG - Làm gì, từ đâu?" do báo Dân trí tổ chức, nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng biên tập báo Dân trí, khẳng định rằng: "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự phát triển bền vững không còn là một lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu. Các doanh nghiệp không chỉ cần tạo ra lợi nhuận, mà còn phải đóng góp tích cực cho môi trường, xã hội và có một hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả. Đó chính là tinh thần của ESG”.
GIA TĂNG “SỨC KHỎE” DOANH NGHIỆP NHỜ ESG
Báo cáo khảo sát của KPMG năm 2022 trên 5.800 doanh nghiệp ở 58 quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy 96% trong số 250 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (theo doanh thu dựa trên bảng xếp hạng Fortune 500 năm 2021) có báo cáo về các vấn đề phát triển vững hoặc ESG (Environmental- Môi trường; Social - Xã hội; Governance - Quản trị doanh nghiệp); 64% trong số các doanh nghiệp này xác nhận biến đổi khí hậu là rủi ro đối với việc kinh doanh của họ; 71% doanh nghiệp lớn nhất trong khảo sát xác định rõ các vấn đề ESG trọng yếu.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Các tập đoàn lớn đang định vị Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các lĩnh vực như dệt may, điện tử, thủy sản, nông sản… vào EU, Mỹ, Hàn, Nhật…
Trong khi đó, tại các thị trường này các đối tác nhập hàng ngày càng áp dụng phổ biến ESG không chỉ cho bản thân doanh nghiệp của họ mà còn yêu cầu phổ cập tiêu chuẩn tới các đối tác cung ứng đầu vào. Người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm và ưu tiên sử dụng các sản phẩm được sản xuất bởi những doanh nghiệp có áp dụng ESG.
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như thiếu vốn, đơn hàng và chi phí thì ESG chính là giải pháp.
Ông Trung cho rằng dưới góc độ chiến lược, thay vì xem ESG là một sáng kiến hoặc một hoạt động, nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên biến nó thành trọng tâm trong mọi hoạt động kinh doanh trong tổ chức.
Theo ông Trung, một quan điểm kinh doanh thú vị là mọi thứ đều có thể quy ra tiền và rác thải, nước thải cũng có thể quy ra tiền. Từ đó, ESG không đơn thuần là giải pháp, sáng kiến, mà là cơ hội để thay đổi tư duy kinh doanh. Lấy ví dụ tại tập đoàn quốc tế Unilever - đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm vệ sinh, xà phòng. Tập đoàn này đang đưa ra quan điểm sống là an toàn và bền vững, biến chi phí ESG thành lợi nhuận.
“ESG không phải là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ESG là cách thức tìm kiếm lợi nhuận ngay từ gia đoạn ban đầu khi triển khai. Ngay tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, thay vì mỗi năm phải chi trả số tiền điện lớn, chúng tôi đầu tư vào hệ thống năng lượng mặt trời, vừa giúp tiết kiệm chi phí và vừa có thể sử dụng nguồn năng lượng sạch”, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết.
Mặt khác, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, khẳng định ESG là sức mạnh của doanh nghiệp phát huy giá trị cốt lõi. “Hơn cả doanh thu, lợi nhuận, thị trường, ESG đem lại môi trường làm việc hạnh phúc cho đơn vị, tổ chức của mình. Không những thế, ESG còn đem lại niềm tin, thương hiệu, đồng thời tạo ra thế cạnh tranh, sự khác biệt cho doanh nghiệp”, ông Khoa nhấn mạnh.
TÌM “CÔNG THỨC” CHO CÁC GIẢI PHÁP ESG
Chia sẻ về kinh nghiệm của chính doanh nghiệp khi triển khai ESG, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết có 3 yếu tố quan trọng với doanh nghiệp. Thứ nhất là tính quan trọng với tổ chức và chiến lược kinh doanh, thứ 2 là tính cấp thiết và cuối cùng là khả năng thực hiện đề án.
Thực tế, FPT có mặt trên 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, do đó khi ký hợp đồng với khách hàng, việc đầu tiên họ đòi hỏi là phải tuân thủ ESG. Bên cạnh đó, người đứng đầu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi ESG, đặc biệt trong cách ứng xử với nhân viên.
“Khi thực thi ESG, quyết tâm của người đứng đầu vô cùng quan trọng. Đó là xác định vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp và điểm khác biệt so với đối thủ. Ngoài ra, ông cho biết phải luôn xác định ESG sẽ tạo nên sức mạnh để phát huy giá trị cốt lõi, cần đưa ESG vào trong tầm nhìn, vào sứ mệnh của doanh nghiệp”, ông Khoa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Khoa.
"ESG không phải một "món trang sức" mà hãy coi ESG đem lại môi trường làm việc hạnh phúc và thực hiện ESG không phải dễ dàng. Do đó, doanh nghiệp cần sẵn sàng chia sẻ các kiến thức kinh nghiệm với mong muốn đóng góp cho xã hội trong tương lai".
Trong khi đó, TS. Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho rằng bài toán lớn nhất của ESG là cần chia sẻ, kết nối với nhau.
"Việc đầu tiên khi thực hành cần phải phân tích mô hình kinh doanh, tác động và mục đích ESG", ông Minh khẳng định.
Chỉ khi thực hành ESG để mở rộng thị trường, nghiên cứu trước xem doanh nghiệp tiên phong đang thực hiện như thế nào, doanh nghiệp mới bắt đầu có thể học hỏi từ họ .
Đồng thời, theo ông Thanh Minh, chúng ta còn có thể học được từ quốc tế. Hiện có khoảng 96% doanh nghiệp trong top 250 doanh nghiệp lớn nhất thế giới đều có báo cáo ESG.
Còn theo ông Nguyễn Đức Minh, Phó chủ tịch Hội Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội, kinh nghiệm thực tế từ doanh nghiệp triển khai ESG là phải xác định đâu là ưu tiên.
Ngoài ra, ông Đức Minh cho rằng các đơn vị thẩm định ESG đánh giá dựa trên lộ trình thực hiện 5 năm, 10 năm chứ không yêu cầu doanh nghiệp phải triển khai ngay nên việc triển khai với doanh nghiệp không phải quá khó.
Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đang có một vài bộ tiêu chuẩn nội lực hóa các luật quốc tế về ESG, song doanh nghiệp vẫn gặp khó khi hành lang pháp lý cho việc triển khai quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG vẫn chưa được quy chuẩn theo mẫu chung, chưa có sự thống nhất.
Minh chứng cho nhận định này, TS. Bùi Thanh Minh đưa ra ví dụ về ngành lúa, khi ngành này giảm phát thải thì quyền sở hữu tín chỉ carbon thuộc về ai thì vẫn chưa được quy định. Chúng ta cũng chưa xây dựng hoàn chỉnh hành lang pháp lý và ưu đãi về thuế.
"Chính vì vậy, cần có chiến lược tổng thể quốc gia, các đội ngũ tư vấn... Các nước trên thế giới đã và đang có hành lang pháp lý cho việc này. Việt Nam không thể chậm trễ được nữa".