Quảng Ninh thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh có nhiều chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH và CN). Đến nay, tỉnh có số lượng doanh nghiệp KH và CN đứng thứ tư trên toàn quốc, với 18 doanh nghiệp, 172 sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KH và CN.
- Quảng Ninh: Không tụ tập quá 5 người tại nơi công cộng, cafe, giải khát, rượu bia,… chỉ bán mang về
- Quảng Ninh: Kiểm soát chặt chẽ nhất người về từ vùng dịch
- Quảng Ninh duyệt quy hoạch khu du lịch, dịch vụ - đô thị hơn 1.700ha tại Cẩm Phả
- CSGT Bắc Giang đứng nghiêm chào đoàn chi viện chống dịch từ Quảng Ninh
- Quảng Ninh: Động viên toàn thể CBCCVC toàn tỉnh làm việc bình thường trong ngày 15/5 và 22/5/2021
Chia sẻ về kết quả thúc đẩy doanh nghiệp KH và CN phát triển, Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Quảng Ninh Hoàng Bá Nam cho biết: Sở KH và CN đã lựa chọn được 80 doanh nghiệp tiềm năng trên địa bàn để phát triển thành doanh nghiệp KH và CN. Sở đã phối hợp các đơn vị liên quan làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ chứng nhận doanh nghiệp KH và CN. Bên cạnh đó, tham mưu tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp tiềm năng về dây chuyền công nghệ tiên tiến, chuyển giao công nghệ mới, đào tạo, quản trị, vận hành doanh nghiệp... nhằm phát triển các sản phẩm mới có tính cạnh tranh trên thị trường. 18 doanh nghiệp đạt doanh nghiệp KH và CN thuộc các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, xây dựng; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; y tế, dược và chế biến thực phẩm.
Được sự hỗ trợ nhiều mặt của tỉnh, các doanh nghiệp KH và CN đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm; chủ động đầu tư nghiên cứu để tạo ra các giống, sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Thí dụ, Công ty cổ phần Gạch ngói Đất Việt đã áp dụng cơ khí hóa, tự động hóa, bảo đảm sản xuất ổn định không lệ thuộc vào mùa vụ, thời tiết. Tại xưởng sản xuất của công ty, toàn bộ quy trình tự chủ hoàn toàn, việc gia công khuôn đùn sản phẩm do đầu tư máy tiện, phay tự động; bốc xếp các loại sản phẩm gạch lát do rô-bốt đảm nhiệm, giảm cường độ nặng nhọc cho công nhân. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gạch ngói Đất Việt Nguyễn Duy Tấn cho biết, do đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, chất lượng sản phẩm được nâng lên, công ty đã xuất khẩu gạch, ngói cho 51 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, công ty đã ba lần đoạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt (2012, 2015, 2018); năm 2014 đoạt giải thưởng Sao Đỏ; năm 2015 nằm trong tốp 500 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. Năm 2015 đoạt giải Bạc và năm 2016 đoạt giải Vàng chất lượng quốc gia... Hay Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã hoàn thiện và phát triển quy trình sản xuất, chế biến khép kín từ khâu ươm trồng, nuôi giống đến sản xuất, chế biến các sản phẩm trên dây chuyền hiện đại. Hiện nay, công ty có chín sản phẩm từ dược liệu đạt chứng nhận OCOP và được xếp hạng bốn sao. Năm 2020, công ty đã mở rộng đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP. Còn Công ty TNHH Quang Vinh sau khi thực hiện dự án ứng dụng công nghệ sản xuất gốm sứ cao cấp đã giảm 30% lượng khí ga nhờ thu hồi nhiệt thừa trong lò nung để sấy sản phẩm mộc.
Dây chuyền sản xuất gạch tự động của Công ty cổ phần Gạch ngói Đất Việt.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh được đánh giá là đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Tổng Giám đốc Công ty Trần Thị Hồng cho biết: Thời gian qua, công ty đã nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm nhiều giống lúa các loại, trong đó có 14 giống lúa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Nhiều giống lúa của công ty trở thành giống chủ lực của Quảng Ninh và nhiều tỉnh, thành phố khác. Riêng Quảng Ninh, các giống lúa do công ty nghiên cứu được ứng dụng gieo cấy trên 39.000 ha, chiếm 70% diện tích lúa của tỉnh, năng suất tăng từ 7 đến 9 tạ/ha.
Nhờ các chính sách khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh, nhiều sáng chế và giải pháp hữu ích của doanh nghiệp KH và CN được áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sáng chế của tác giả Đinh Văn Giang (Công ty TNHH Một thành viên KH và CN cơ khí Trí Đạt) đã áp dụng vào sản xuất và thương mại hóa trên thị trường, sản phẩm đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang Lào. Sáng chế của tác giả Đinh Thái Minh (Công ty cổ phần Đạt Minh Hà) đã được thương mại hóa chuyển giao cho các công ty than, giá trị làm lợi hàng tỷ đồng. Sáng chế sản xuất hệ thống bạt che dùng trong nuôi trồng thủy sản của Công ty cổ phần Đạt Minh Hà đã được áp dụng và xây dựng thành dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 của Cục Sở hữu trí tuệ...
Đánh giá về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp KH và CN, Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Quảng Ninh Hoàng Bá Nam cho biết: Công tác tổ chức bộ máy về KH và CN đã có nhiều chuyển biến theo hướng rõ người, rõ việc. Tại các sở, ngành, địa phương đều bố trí lãnh đạo phụ trách, phân công cán bộ theo dõi KH và CN của đơn vị; hằng năm chủ động đề xuất, đưa nhiệm vụ KH và CN vào chương trình, kế hoạch công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng KH và CN đã góp phần tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các tổ chức KH và CN, nhà khoa học, thành lập quỹ phát triển KH và CN của đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ KH và CN đạt hiệu quả.
Theo baonhandan.com.vn