Quy hoạch số không gian biển

12:28, 09/07/2025

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 theo Luật Quy hoạch. Đây là bước đi quan trọng nhằm bảo đảm khai thác, sử dụng tài nguyên biển một cách hợp lý, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.

Tuy nhiên, để quy hoạch này thực sự phát huy hiệu quả, việc “số hóa” không gian biển – nghĩa là xây dựng một hệ thống quy hoạch số với dữ liệu cập nhật, trực quan, phân tích thời gian thực – là điều bắt buộc.

Không gian biển không thể quy hoạch bằng sơ đồ tĩnh. Không giống đất liền, biển là thực thể động – thay đổi theo mùa, theo dòng chảy, theo khí hậu và tác động của con người. Vì thế, quy hoạch biển không thể là một bản PDF treo tường hay vài tấm bản đồ giấy đóng trong báo cáo. Quy hoạch biển cần được vận hành trên nền tảng số, có khả năng tích hợp dữ liệu nhiều lớp, cập nhật biến động, mô phỏng tương tác và phân tích theo kịch bản.

Ảnh minh họa 

Ở nhiều quốc gia biển mạnh, như Hà Lan, Úc, Hàn Quốc, quy hoạch không gian biển được xây dựng như một hệ thống số mở. Trên đó, người dân, doanh nghiệp, nhà quy hoạch và cơ quan quản lý đều có thể tra cứu, xem được từng lớp không gian biển: từ khu vực bảo tồn sinh thái, tuyến hàng hải, vùng khai thác dầu khí, ngư trường, khu nuôi trồng, điện gió ngoài khơi, đến hành lang phòng chống thiên tai. Mỗi thay đổi đều có dấu thời gian, mỗi quyết định đều dựa trên dữ liệu cập nhật.

Trong khi đó, tại Việt Nam, quy hoạch biển hiện mới ở giai đoạn tổng hợp báo cáo. Hệ thống dữ liệu phục vụ quy hoạch còn rời rạc, thiếu nền tảng tích hợp, chưa có cơ chế chia sẻ đồng bộ giữa các Bộ ngành. Nhiều vùng biển vừa được phê duyệt cho phát triển điện gió, lại chồng lấn với tuyến đánh bắt cá truyền thống, hay hành lang bảo tồn rạn san hô. Nếu không có quy hoạch số minh bạch, sẽ rất dễ dẫn đến xung đột không gian, khi các lợi ích kinh tế chen lấn nhau mà không có công cụ phân giải.

Quy hoạch số không gian biển không chỉ là bản đồ, mà là một hệ thống quản trị biển theo thời gian thực. Khi có sự cố môi trường, tàu hàng chìm, sự cố tràn dầu hay bùng phát sinh vật lạ – hệ thống có thể xác định ngay vùng ảnh hưởng, các hoạt động liên quan, và đưa ra cảnh báo sớm. Khi cần điều chỉnh quy hoạch để thích ứng với biến đổi khí hậu, quy hoạch số cho phép đánh giá nhanh tính khả thi và rủi ro của từng phương án.

Điều quan trọng là: quy hoạch số còn là nền tảng để thu hút đầu tư biển hiệu quả. Không nhà đầu tư nào muốn đổ vốn vào một khu vực mà không biết 5 năm sau có bị điều chỉnh quy hoạch, hoặc có vướng ranh giới bảo tồn. Một hệ thống quy hoạch số minh bạch, dễ truy cập, rõ ràng về pháp lý và cập nhật dữ liệu sẽ tạo ra niềm tin và sự minh bạch, từ đó tăng hiệu quả sử dụng không gian biển.

Việt Nam không thể phát triển kinh tế biển nếu không quản lý được không gian biển. Không thể nói đến tăng trưởng xanh nếu không số hóa các lớp quy hoạch và dữ liệu biển. Và càng không thể giữ biển cho mai sau nếu hôm nay, biển bị phân mảnh bởi lợi ích ngắn hạn mà không có công cụ tích hợp tổng thể.

Đã đến lúc cần xây dựng nền tảng quy hoạch số không gian biển quốc gia, tích hợp các lớp dữ liệu địa lý, sinh thái, tài nguyên, kinh tế và hạ tầng biển. Đây không chỉ là công cụ kỹ thuật, mà là nền tảng thể chế để bảo đảm biển phát triển có trật tự, có trách nhiệm và có tầm nhìn dài hạn.