Quỹ TEKES Phần Lan đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

09:58, 11/03/2016

Theo biên bản ghi nhớ giữa Bộ KH&CN và Quỹ TEKES Phần Lan, hai bên sẽ hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm trong nhiều lĩnh vực.

KHOINGHIEP1

Vào ngày 8/3, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng Quỹ Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo Phần Lan (TEKES) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu chung, trong đó có phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ICT, chăm sóc sức khỏe, năng lượng, công nghệ nano, công nghệ sạch, công nghệ xây dựng…

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hai bên sẽ lên kế hoạch và thực hiện các cuộc kêu gọi đồng tài trợ, cùng tham gia lựa chọn các dự án liên quan đến hoạt động ứng dụng các kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, các tổ chức pháp nhân, đề xuất được hỗ trợ hoặc tài trợ từ các chương trình của Việt Nam và Phần Lan. Thêm vào đó, sẽ thiết lập quan hệ đối tác và kết nối cung cầu công nghệ hai nước.

Được biết, khối EU, trong đó có Phần Lan, là nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam trong những năm qua. Tuy nhiên, việc Việt Nam đang trở thành một nước có thu nhập trung bình khiến các hoạt động hỗ trợ phát triển song phương chính thức của Phần Lan cho Việt Nam trong thời gian tới sẽ giảm dần, Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn lời bà Lenita Toivakka, Bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển Phần Lan, cho biết. Do đó, đây là lúc tìm ra hình thức viện trợ hợp tác mới thông qua thương mại và hoạt động về kinh tế. Một trong những trọng tâm thời gian tới là đổi mới sáng tạo, bà cho hay.

Theo trang mạng DealStreetAsia, nằm trong quá trình thắt chặt mối quan hệ giữa Việt Nam và Phần Lan, Chương trình Đổi mới Quan hệ đối tác (Innovation Partnership Programme - IPP) đã được tiến hành từ năm 2009. Đây là chương trình đã hỗ trợ sự tăng trưởng của một số dự án khởi nghiệp của Việt Nam thông qua việc tài trợ vốn và các hoạt động cố vấn. Tuy nhiên, IPP sẽ kết thúc vào năm 2018.

Trong khi đó, TEKES đã khởi xướng chương trình BEAM với kinh phí 50 triệu euro (54,8 triệu USD) nhằm hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các nước đang phát triển, mà trọng tâm là Việt Nam và Tanzania.

Được biết, 500 Startups (quỹ đầu tư có trụ sở tại Thung lũng Silicon, Mỹ) vừa lập riêng một quỹ nhỏ trị giá 10 triệu USD nhằm đầu tư vào khoảng 100 - 150 công ty có hoạt động liên quan tới Việt Nam. Giá trị mỗi lần hỗ trợ khoảng 100.000 - 250.000 USD.