Sách có vai trò quan trọng trong lưu giữ, chia sẻ và lan tỏa tri thức khoa học
Trong kỷ nguyên công nghệ số, sách, dù ở bất kỳ hình thức nào, vẫn luôn là người bạn đồng hành trung thành, là ngọn đèn soi sáng tri thức, khai mở tư duy và khơi nguồn sáng tạo.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, Cục Thông tin, Thống kê phối hợp với Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật tổ chức chuỗi sự kiện từ ngày 15 - 17/5/2025 tại tầng 1, số 24 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sự kiện được tổ chức với mong muốn lan tỏa giá trị của sách, tri thức khoa học, đổi mới sáng tạo và ứng dụng KH&CN vào thực tiễn phát triển đất nước. Đồng thời, sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định sách KH&CN và hệ sinh thái tri thức là nền tảng quan trọng cho quá trình CĐS quốc gia, xây dựng xã hội học tập và kiến tạo công dân số.
Tôn vinh vai trò của sách khoa học công nghệ, khơi dậy niềm đam mê khám phá
Theo ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin, Thống kê, thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, bắt nguồn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ quá trình CĐS toàn diện và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI). Sự phát triển của các công nghệ mới đã khiến thế giới ngày càng trở nên "phẳng" hơn – xóa nhòa ranh giới về địa lý, kinh tế và xã hội, đồng thời tạo ra một sân chơi kết nối và công bằng hơn giữa các quốc gia, tổ chức và cá nhân trên toàn cầu.
Ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin, Thống kê.
“Trong bối cảnh đó, việc tiếp cận, phổ biến và ứng dụng tri thức khoa học và công nghệ chưa bao giờ dễ dàng và thuận tiện như ngày nay, đặc biệt với sự hỗ trợ mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả của các ứng dụng AI như ChatGPT, Grok hay DeepSeek và nhiều nền tảng thông minh khác”, ông Trần Đắc Hiến nói.
Cục trưởng Cục Thông tin, Thống kê khẳng định Triển lãm và chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam không chỉ là dịp để tôn vinh vai trò của sách khoa học công nghệ, khơi dậy niềm đam mê khám phá trong giới trẻ, mà còn là một hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Đồng thời, đây là dịp kết nối cộng đồng KH&CN với giáo dục và đào tạo, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại và học tập trong kỷ nguyên số.
“Triển lãm không chỉ là không gian giới thiệu sách, mà còn là nơi để tương tác, trải nghiệm công nghệ mới; là diễn đàn học thuật để trao đổi, chia sẻ tri thức và truyền cảm hứng sáng tạo đến thế hệ trẻ. Đây cũng là lời khẳng định mạnh mẽ rằng, trong kỷ nguyên công nghệ số, sách - dù ở bất kỳ hình thức nào - vẫn luôn là người bạn đồng hành trung thành, là ngọn đèn soi sáng tri thức, khai mở tư duy và khơi nguồn sáng tạo”, Cục trưởng Cục Thông tin, Thống kê nhấn mạnh.
Ngoài ra, Triển lãm sách khoa học và công nghệ cũng là dịp để cùng nhìn lại, tôn vinh những đóng góp thầm lặng nhưng to lớn của các nhà khoa học, các thầy cô giáo, các nhà xuất bản, các tác giả, độc giả và những người đang nỗ lực làm việc vì sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và xây dựng một xã hội học tập.
Trong khuôn khổ Triển lãm Sách Khoa học và Công nghệ năm 2025, hội thảo với chủ đề “Khai thác hệ sinh thái tri thức số – Tạo đột phá trong nghiên cứu” đã diễn ra, thu hút sự tham dự của các đại biểu là lãnh đạo, giảng viên và sinh viên đến từ nhiều trường đại học.
Hội thảo “Khai thác hệ sinh thái tri thức số – Tạo đột phá trong nghiên cứu”.
Theo ThS. Lưu Xuân Xa, Phó Trưởng phòng Tra cứu Thông tin, hệ sinh thái tri thức số là một môi trường trực tuyến rộng lớn, nơi hội tụ các nguồn tài nguyên tri thức số, công cụ, dịch vụ và người dùng cùng tương tác để tạo ra, chia sẻ, sử dụng và bảo tồn tri thức. Trong bối cảnh CĐS hiện nay, hệ sinh thái này đóng vai trò quan trọng xây dựng nền tảng học tập và nghiên cứu hiện đại, giúp người dùng tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, nó còn hỗ trợ cộng tác và chia sẻ hiệu quả giữa các cá nhân và tổ chức, trở thành chìa khóa thúc đẩy chuyển đổi số và hình thành xã hội học tập toàn diện.
Nguồn dữ liệu số phong phú là yếu tố then chốt trong hệ sinh thái tri thức số
Hệ sinh thái tri thức số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và tạo đột phá trong nghiên cứu khoa học, thông qua năm yếu tố then chốt gồm: nguồn dữ liệu phong phú, hợp tác liên ngành, phân tích thông minh, tối ưu quy trình và đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái này giúp tổ chức nghiên cứu tận dụng hiệu quả các nguồn lực tri thức để nâng cao chất lượng và hiệu suất nghiên cứu. Việc khai thác đầy đủ các yếu tố trên chính là chìa khóa để các tổ chức nghiên cứu tạo ra những thành tựu mang tính đột phá trong thời đại số.
Hạ tầng công nghệ đóng vai trò nền tảng trong việc xây dựng và vận hành hệ sinh thái tri thức số, với nhiều công cụ hỗ trợ đa dạng. Trước hết, hệ thống quản lý học tập (LMS) như Moodle, Canvas, và Blackboard giúp tổ chức hiệu quả việc giảng dạy và học tập trực tuyến. Bên cạnh đó, các nền tảng thư viện số như DSpace và Greenstone cho phép truy cập và quản lý tài liệu số một cách dễ dàng.
Các công cụ tìm kiếm và cộng tác như Google Scholar, Wiki, Google Docs và ResearchGate giúp người dùng tra cứu thông tin, chia sẻ tri thức và kết nối với cộng đồng học thuật. Cuối cùng, các công cụ tạo nội dung số như Microsoft Office, Adobe Creative Suite và phần mềm bài giảng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tài nguyên học liệu phong phú và hấp dẫn.
Nguồn dữ liệu số phong phú là yếu tố then chốt trong hệ sinh thái tri thức số, hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu và học thuật. Các cơ sở dữ liệu (CSDL) tiếng Việt như “Công bố KH&CN Việt Nam” và “Nhiệm vụ KH&CN Việt Nam” cung cấp thông tin quan trọng về kết quả nghiên cứu và các dự án khoa học trong nước.
Song song đó, các CSDL tiếng Anh như ScienceDirect, Springer Nature và Proquest mang đến kho tri thức toàn cầu, giúp mở rộng phạm vi tiếp cận học thuật quốc tế. Ngoài ra, các CSDL phân tích dữ liệu như Scopus và Compas cung cấp công cụ đánh giá, phân tích chuyên sâu, hỗ trợ nhà nghiên cứu đưa ra quyết định khoa học chính xác và có cơ sở.
ThS. Lưu Xuân Xa cho biết CSDL tiếng Việt về nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) là một nguồn tài nguyên số quan trọng, cung cấp gần 182.000 tài liệu chuyên ngành, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội. Dữ liệu được thu thập trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến 2025 và liên tục được cập nhật, mở rộng. Hệ thống cho phép người dùng tra cứu, tìm kiếm các công bố nghiên cứu một cách nhanh chóng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình học tập, nghiên cứu và quản lý thông tin khoa học trong nước.
Trong khi đó, CSDL tiếng Việt về công bố khoa học và công nghệ Việt Nam là nguồn thông tin quý giá phục vụ cho nghiên cứu, học tập và quản lý khoa học. Hiện nay, hệ thống này đã ghi nhận hơn 17.000 biểu ghi trong lĩnh vực khoa học xã hội, trong đó có 1.923 nhiệm vụ đang được triển khai thực hiện, 12.250 nhiệm vụ đã hoàn thành và báo cáo kết quả, cùng với 3.040 nhiệm vụ có kết quả đã được ứng dụng vào thực tiễn. Việc thống kê, lưu trữ và cung cấp truy cập đến các dữ liệu này giúp tăng cường tính minh bạch, kết nối cộng đồng nghiên cứu và góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động KH&CN tại Việt Nam.
Hội thảo còn dành thời gian để thảo luận, trao đổi trực tiếp giữa các diễn giả và người tham dự, nhằm làm rõ các vướng mắc thực tiễn trong quá trình khai thác và ứng dụng tri thức số tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Sau hội thảo, các đại biểu đã tham quan khu vực triển lãm, nơi trưng bày các công cụ, nền tảng và tài nguyên số đang được áp dụng hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ triển lãm, hàng trăm đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực KH&CN được giới thiệu và trưng bày. Đây là những tài liệu quý giá, không chỉ phản ánh các thành tựu KH&CN của Việt Nam và thế giới, mà còn là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo và đổi mới trong tương lai./.