Sau RCEP, Hàn Quốc muốn tiếp tục gia nhập CPTPP
Tổng thống nước Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết trong một bài phát biểu ngày 8/12, Chính phủ Hàn Quốc "sẽ tiếp tục xem xét" việc gia nhập CPTPP sau khi vừa ký kết một thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn trước đó là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Phát biểu tại buổi lễ kỉ niệm Ngày Thương mại lần thứ 57 được tổ chức tại trung tâm hội nghị COEX phía nam thủ đô Seoul hôm 8/12, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng thế mạnh về thương mại của đất nước nhằm chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu đại dịch COVID-19.
Tổng thống Hàn Quốc cho biết nước ông đang xem xét trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Đây là lần đầu tiên ông Moon đề cập đến khả năng gia nhập thỏa thuận thương mại đa phương này.
Tổng thống nước Hàn Quốc Moon Jae-in
Hồi năm 2013, Hàn Quốc từng tính trở thành một thành viên của CPTPP, thỏa thuận khi đó còn có tên là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là bà Park Geun-hye ưu tiên tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Vào năm 2014, Seoul và Bắc Kinh ký thỏa thuận tự do thương mại, và vào năm 2015, Hàn Quốc tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu.
Hàn Quốc đã bỏ lỡ cơ hội trở thành viên sáng lập của TPP, một phần bởi Trung Quốc khi đó coi TPP sẽ trở thành một khối thương mại do Mỹ đứng đầu.
Trước đó, Hàn Quốc hồi tháng 11 đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Ông Moon chỉ ra rằng "vũ khí mạnh nhất" để chống lại chủ nghĩa bảo hộ là nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu thông qua việc tạo ra các sản phẩm có chất lượng.
Theo đó, ông tuyên bố sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất với trọng tâm là ba ngành công nghiệp mới - sức khỏe sinh học, chất bán dẫn hệ thống và ô tô. Ông Moon gọi bộ ba này là "động cơ mới" để dẫn đầu xuất khẩu trong tương lai của Hàn Quốc.
Ông nhấn mạnh rằng Hàn Quốc cần chuẩn bị cho việc chuyển đổi thương mại sang một hình thức thân thiện với môi trường và kỷ nguyên thương mại kỹ thuật số. Theo đó, ông đề cập "Chiến lược xúc tiến trung hòa carbon 2050" của Hàn Quốc nhằm giảm lượng phát thải carbon, phát triển công nghệ, công nghiệp thân thiện với môi trường.
Ông Moon nhấn mạnh "sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử toàn cầu" là một "cơ hội mới" trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
PV (T/h)