Sẽ qua thời ban hành văn bản sai trái nhưng không chịu trách nhiệm!
Một trong những nét mới của nhiệm kỳ Quốc hội lần này là phát huy mạnh mẽ quyền giám sát, một trong ba chức năng chính được qui định trong Luật tổ chức Quốc hội.
Đã có hàng ngàn những văn bản trái luật đã được ban hành cũng đồng nghĩa với việc có hàng triệu người đã hoặc đang bị điều chỉnh bởi các văn bản sai trái. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm.
Song, việc đó chắc chắn sẽ không tồn tại nữa…
Tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng ngày 17.11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: "Hôm trước họp cán bộ chủ chốt các đồng chí nói, sai phạm bên ngoài giá trị tiền rất nhỏ thì phạt. Bây giờ cơ quan Nhà nước, tổ chức, cán bộ, đảng viên làm sai, ban hành văn bản trái luật, lại không chịu trách nhiệm gì thì làm sao được? Luật có rồi mà anh để hàng năm không ban hành văn bản quy định chi tiết thì trách nhiệm thế nào? Chẳng lẽ không chịu trách nhiệm gì".
Điều này cho thấy sự công bằng, sòng phẳng cũng như thái độ kiên quyết của Chủ tịch Vương Đình Huệ với chức năng giám sát.
Theo quan sát của người viết bài này nhiều năm qua cho thấy, các văn bản sai trái thường được biểu hiện ở ba dạng cơ bản sau:
Loại thứ nhất là những văn bản ngô nghê, thiếu cả tính pháp lý lẫn thực tiễn cuộc sống. Loại văn bản này được soạn thảo bởi những công chức yếu kém về nghiệp vụ điển hình như các qui định ngực lép không được cấp bằng lái xe, không được bán thịt 8 giờ sau khi giết mổ, ghi họ tên cha mẹ trong CMND, qui định về tang lễ cán bộ công chức hay dự thảo quy định "sinh viên sẽ bị đuổi học một lần nếu chứa chấp, buôn bán vũ khí, chất nổ và hàng cấm theo quy định của Nhà nước"…
Loại văn bản thứ hai là những văn bản thiếu tính khả thi, thậm chí biết là không thực hiện được nhưng vẫn ban hành mà gần đây nhất là dự kiến thu phí ô tô đi vào nội thành Hà Nội gây bức xúc dư luận. Một số những văn bản ban hành hình như để đối phó, kiểu "chúng tôi đã ban hành rồi đấy nhé" như cấm rượu không nhãn mác chẳng hạn. Đành rằng về lý thuyết, đây là qui định đúng nhưng thực tế ở Việt Nam hiện nay, cấm rượu tự nấu là điều không tưởng.
Loại văn bản thứ ba là những văn bản mà người ban hành còn nhằm mục đích qua đó, giành cho ngành mình những đặc quyền, đặc lợi. Thậm chí, nó còn mang bóng dáng của loại hình "tham nhũng chính sách", bị chi phối bởi lợi ích nhóm như phát biểu của ĐB Nguyễn Bá Thuyền và ĐB Chu Sơn Hà cùng đặt ra từ kỳ họp Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội trước đây.
Nếu văn bản dạng thứ nhất là thiếu năng lực, dạng thứ hai mang tính đối phó thì dạng thứ ba, mang dáng dấp của lợi ích nhóm, thậm chí nghiêm trọng hơn, có thể còn vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là cho đến nay, chưa có một tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm.
Song, một trong những tín hiệu mới của nhiệm kỳ Quốc hội lần này là phát huy mạnh mẽ quyền giám sát, một trong ba chức năng chính (lập pháp, quyết định những vấn đề trọng đại và giám sát) được qui định trong Luật tổ chức Quốc hội. Trước đây, chức năng này chưa được phát huy cao độ.
Một khi Quốc hội phát huy đầy đủ quyền giám sát tối cao của mình như khẳng định của Chủ tịch Vương Đình Huệ: "Không giám sát thì thôi, đã giám sát thì phải cụ thể, không nói chung chung", chắc chắn không chỉ llĩnh vực ban hành văn bản trái qui định mà những sai trái của các lĩnh vực khác cũng sẽ được kịp thời ngăn chặn.
Với việc ban hành các văn bản trái luật, những tổ chức, cá nhân này sẽ phải chịu trách nhiệm, không thể vô can!
Theo/dantri.com.vn