SHB tạo hiện tượng đột biến trên sàn chứng khoán

Dung Hoàng 14:09, 15/06/2020

Chiều 15/6, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020. Sau gần chục năm, cổ đông SHB đã có một tâm thế mới: không còn phải băn khoăn nhiều với cổ tức, với trạng thái thị giá cổ phiếu nằm sâu dưới mệnh giá.

SHB đối mặt với những thách thức và khó khăn trong 10 năm qua

Năm 2011, đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam bắt đầu triển khai. SHB là trường hợp đầu tiên “xung phong” nhận sáp nhập một NHTM yếu kém khác - Habubank.

Cuộc sáp nhập này nhanh chóng đưa SHB vào top 5 NHTM cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam, về tổng tài sản. Tổng tài sản là thị phần, hệ thống mạng lưới và nhân sự, mà thông thường phải mất nhiều năm mới có thể tích lũy được. Nhưng, cái giá phải trả ở đây cũng gần chục năm chật vật vừa qua.

Từ một ngân hàng bình thường, nợ xấu SHB sau sáp nhập đột biến lên 8,7%. Vấn đề là trong đó có những khoản lớn đòi hỏi quá trình xử lý lâu dài chứ không hẳn chỉ riêng yêu cầu về vốn. Điển hình như tái cơ cấu Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco), hay nợ xấu Vinashin nhận về…

Mãi cho đến gần chục năm sau đó, có những khoản nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đã phải gia hạn cho đến năm 2024, để bớt áp lực trong trích lập dự phòng và xử lý.

Gánh nặng sáp nhập trên mới chỉ là một phần khó khăn. Ngay sau khi sáp nhập Habubank, bối cảnh nền kinh tế và đặc biệt hoạt động ngân hàng nói chung rơi vào bất ổn. Giai đoạn 2012-2015, hầu hết các NHTM Việt Nam đều rơi vào suy giảm mạnh lợi nhuận, nợ xấu tăng cao; SHB không phải ngoại lệ.

Khó khăn hơn nữa và trở thành thử thách kép đối với một NHTM có các chỉ số cơ bản bị ảnh hưởng khi vừa nhận sáp nhập thành viên yếu kém khác: các khung khổ pháp lý đối với hoạt động ngân hàng bắt đầu siết lại, nhiều chuẩn mực mới cao hơn gia tăng áp lực thực hiện.

Đơn cử như phải mất nhiều năm và nhiều lần trì hoãn, toàn hệ thống mới từng bước thực hiện được Thông tư 02 về phân loại nợ; Thông tư 36 với các giới hạn an toàn mới cao hơn, chặt chẽ hơn; hay cho đến nay là Thông tư 41 với yêu cầu đủ vốn theo Basel II…

Trong tổng hòa khó khăn đó, kết quả kinh doanh SHB trải qua một giai đoạn hạn chế về lợi nhuận. Mặt khác, khi phải dồn lực xử lý các vấn đề hậu sáp nhập, nguồn lực để tập trung đầu tư cho các hướng phát triển hẳn bị chia sẻ nhất định, nhất là trong xu hướng cạnh tranh ngân hàng số và tiện ích dịch vụ những năm qua.

Chưa kể, sau sáp nhập Habubank, trong bối cảnh nhiều khó khăn đó, SHB tiếp tục sáp nhập thêm một công ty tài chính nữa - một bước đầu tư cho tương lai.

Từ 2012 đến 2019, tập trung tái cơ cấu, các chỉ tiêu kinh doanh và hiệu quả SHB chùng xuống. Điều này phản ánh ở giá cổ phiếu trên sàn nhiều năm nằm sâu dưới mệnh giá; chính sách cổ tức thường được đặt ra chất vấn tại các kỳ ĐHĐCĐ thường niên.

Sau nhiều năm, cổ đông SHB đến dự đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 hẳn đã có một tâm thế khác trước…

SHB bước sang một trang sách mới

Lần này, ĐHĐCĐ SHB năm 2020 đã hoàn toàn khác biệt. Cổ đông vừa được dồn trả cổ tức, mà quan trọng hơn khi lợi ích gia tăng với thị giá cổ phiếu vượt xa nhiều lần trước đó.

Chính trong giai đoạn khó khăn nhất của thị trường trước tác động của Covid-19, từ tháng 3/2020, giá cổ phiếu SHB đã tạo hiện tượng đột biến trên sàn chứng khoán. Nếu lùi một chút trước nữa, vào tháng 2/2020, thị giá cổ phiếu SHB chỉ quanh mức 6.000 đồng/cổ phiếu, thì cao điểm vừa qua có lúc lên tới 18.000 đồng/cổ phiếu, tức đạt gấp ba lần chỉ sau khoảng ba tháng.

Nút thắt lớn nhất về tâm lý và lợi ích cổ đông được cởi bỏ. Và không phải ngẫu nhiên.

Trước đó, kết thúc năm 2019, SHB đã tạo ấn tượng về kết quả kinh doanh, với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tới 45%. Quan trọng hơn, ngân hàng đã trích lập 4.232 tỷ đồng dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC, đặc biệt là đã tất toán trước hạn toàn bộ 5.773 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC mà NHNN gia hạn đến 2024.

Như vậy, gánh nặng nợ xấu kéo dài gần chục năm qua đã được xử lý, thậm chí tất toán trước 5 năm cả phần được gia hạn. Tỷ lệ nợ xấu được rút về chỉ còn 1,9%.

Trước thềm ĐHĐCĐ lần này, SHB cũng đã thực hiện tăng vốn điều lệ thành công, lên 17.558 tỷ đồng qua phát hành hơn 550 triệu cổ phiếu (bao gồm chi trả cổ tức và phát hành ra công chúng). Đây là một trong những cơ sở để SHB cơ bản hoàn tất đầy đủ các trụ cột của Basel II; thậm chí bắt đầu lên lộ trình tiệm cận các chuẩn mực quốc tế bao gồm Basel III cho giai đoạn mới.

Với loạt thay đổi ấn tượng đó, đặc biệt ở kết quả xử lý nợ xấu, tăng mạnh vốn điều lệ và thị giá cổ phiếu tăng cao, lịch sử SHB đã sang trang mới sau gần chục năm vượt khó.

Kết quả này trở nên giá trị hơn, tạo điều kiện chủ động hơn cho SHB, khi mà toàn hệ thống NHTM và nền kinh tế đang sống trong thử thách mới: những khó khăn và ảnh hưởng bất lợi bởi dịch Covid-19.

PV (T/h)