Nhà mạng đầu tư đồng thời 4G và 5G

16:23, 06/11/2024

Việc đầu tư hạ tầng mạng lưới 4G vẫn được các nhà mạng tiến hành song song với đầu tư mạng 5G.

Đến năm 2030, 4G vẫn là công nghệ chủ đạo

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo dự báo của Hiệp hội Di động thế giới (GSMA) và Ericsson, đến năm 2025, 4G vẫn là công nghệ chủ đạo với số lượng thuê bao chiếm đa số (55%). Đến năm 2028, 4G vẫn chiếm đa số (50%), sau đó sẽ giảm dần khi 5G bắt đầu chiếm lĩnh.

Chính vì vậy, sau khi đấu giá 3 băng tần cho các nhà mạng triển khai 4G-5G và tắt sóng 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục quy hoạch băng tần 880-915 MHz và 925-960 MHz cho 2 công nghệ này. Băng tần 900Mhz được cấp phép cho 4 doanh nghiệp là Vietnamobile, VNPT, Viettel và MobiFone khai thác 2G/3G/4G, giấy phép băng tần có thời hạn tối đa đến ngày 15/9/2024.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, năm 2024 là năm thương mại hóa 5G trên toàn quốc, nhưng yêu cầu các nhà mạng đầu tư cho 4G - hạ tầng quan trọng trong ít nhất 5 năm tới.

“Chúng ta nói nhiều đến 5G, nhưng tại Việt Nam từ nay đến năm 2030, dung lượng chủ yếu vẫn là 4G. Nhanh nhất đến năm 2029, 5G mới có thể vượt 4G về lưu lượng và thuê bao. Vì vậy, các nhà mạng vẫn phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ 4G”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý.

Theo ông Hùng, thực tế hạ tầng 4G tại Việt Nam thiếu tần số thấp. Đặc tính của tần số thấp là có tốc độ thấp hơn, nhưng độ phủ lớn hơn so với tần số cao. Việc sử dụng tần số thấp giúp mạng có thể phủ đến mọi nhà. Vì thế phải cân nhắc đấu thầu tần số 700 MHz để các nhà mạng lớn triển khai, nhằm đảm bảo chất lượng vùng phủ 4G.

Đầu tư 5G song song với 4G

Đến thời điểm hiện tại, Viettel đạt vùng phủ 4G trên 95% dân số. Trong một năm qua, Viettel bổ sung 6.000 trạm phát sóng 4G mới, nâng cấp băng thông và dung lượng của 53.000 trạm 4G khác, giúp hơn 4 triệu người dân vùng sâu, vùng xa có sóng 4G, đảm bảo không bị “trắng sóng” khi tắt 2G. Hiện số trạm 4G Viettel chiếm khoảng 40% tổng số trạm 4G ở Việt Nam.

Viettel đặt mục tiêu đến năm 2025, vùng phủ 4G sẽ tương đương với 2G, tức phủ khoảng 98% dân số. Nhà mạng này cho biết, sẽ tiếp tục lắp đặt thêm 7.000 trạm 4G mới. Khi số lượng khách hàng sử dụng 4G tăng, ngoài việc bổ sung trạm phát sóng, Viettel cũng triển khai các giải pháp nhằm nâng băng thông, tăng dung lượng của các trạm 4G hiện tại để tăng chất lượng mạng.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel dự báo: “Từ nay đến đến năm 2030, thậm chí đến năm 2035, 4G vẫn là mạng chủ đạo trên thế giới, giống như mạng 2G giai đoạn trước khi tắt. Toàn bộ dịch vụ thoại và dịch vụ data sẽ được triển khai trên mạng 4G”.

Theo bà Tâm, khi triển khai mạng 5G thì Viettel không chỉ duy trì mạng lưới hạ tầng 4G, mà còn phát triển, mở rộng vùng phủ sóng 4G.

“Năm 2024 là năm đặc biệt với Viettel. Chúng tôi đầu tư công nghệ mới 5G, đồng thời vẫn mở rộng công nghệ cũ 4G. Khác với giai đoạn trước, khi đầu tư 4G thì chúng tôi cắt giảm 3G. Có thể thấy, công nghệ 4G vẫn phát huy vai trò trong thời gian tới, đặc biệt khi thành mạng nền và mạng phổ cập. Việc đảm bảo vùng phủ cho bà con vùng sâu, vùng xa, thay thế mạng 2G cũng đặt ra cho nhà mạng nhiều thách thức, buộc chúng tôi phải tiếp tục đầu tư nhiều cho 4G”, bà Tâm khẳng định.

Với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ 4G cùng với thương mại hóa 5G và nghiên cứu công nghệ 6G. VNPT đặt mục tiêu đến năm 2025, vùng phủ sóng 4G và 5G dự kiến bao phủ 98% dân số, với tốc độ tải xuống trung bình đạt 40Mb/s cho 4G và 100Mb/s cho 5G.

Ông Đỗ Mạnh Dũng, quyền Giám đốc Ban khách hàng cá nhân VNPT VinaPhone cho biết, VNPT đã rất cố gắng phủ sóng mạng lưới 4G, bởi có phủ được thì khách hàng mới chuyển đổi sang sử dụng data và các dịch vụ số. VNPT đang phấn đấu trong thời gian ngắn phải đảm bảo không còn vùng lõm sóng, nếu còn thì phải giải quyết để khách hàng có thể sử dụng dịch vụ tốt nhất.

Tương tự, MobiFone cũng lên phương án đảm bảo vùng phủ sóng và dự kiến trong năm 2025 bổ sung khoảng 4.000 trạm 4G, bổ sung vùng phủ còn thiếu, triển khai các dự án phát triển mạng sử dụng thiết bị hỗ trợ tối đa công nghệ 3G/4G.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó trưởng Ban Dịch vụ viễn thông MobiFone cho biết: “MobiFone xác định rõ phải đầu tư cho mạng lưới 4G. Nếu chặn 2G mà khách hàng chuyển đổi sang 4G nhưng không dùng được thì họ sẽ khiếu nại, thậm chí mất khách hàng. Công việc này luôn song hành, vừa truyền thông chuyển đổi, vừa phải tối ưu đầu tư mạng lưới, vùng phủ sóng 4G để phục vụ khách hàng”.

Phó cục trưởng Cục Viễn thông, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, sau khi có lộ trình dừng 2G và sau đó là 3G, thì 4G là mạng cơ bản nhất, quan trọng nhất của các doanh nghiệp kinh doanh di động. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ theo yêu cầu và nhu cầu ngày càng cao của người dùng, các nhà mạng liên tục đầu tư vào 4G.

“Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng kế hoạch đấu giá với băng tần 700 MHz và dự định từ nay đến cuối năm sẽ triển khai cho nhà mạng có thêm tần số cho công nghệ 4G/5G”, ông Nhã cho biết.

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu, đến năm 2025, dịch vụ truy nhập Internet 4G đạt tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mbit/s. Hoàn thành phủ sóng các thôn/bản còn trắng sóng, lõm sóng băng rộng di động đã có điện lưới quốc gia thuộc khu vực đặc biệt khó khăn.

Phủ sóng 100% khu vực trắng sóng, lõm sóng băng rộng di động tại các thôn, cụm dân cư đã có điện lưới quốc gia ngoài khu vực đặc biệt khó khăn. Phủ sóng băng rộng di động 100% tuyến đường sắt và quốc lộ, đường cao tốc, 3 tuyến đường sắt đô thị. Bảo đảm không để mất sóng quá 1 km liên tục.

Triển khai hiệu quả thương mại hóa 5G với 100% tỉnh, thành phố có sóng dịch vụ 5G. 100% khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế có sóng 5G…