Sông Tranh 2: Trạm quan trắc "im lặng" vì thiếu đường truyền

16:32, 20/11/2012

TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng, trạm quan trắc động đất vừa được lắp đặt tại khu vực Sông Tranh 2 không cung cấp được dữ liệu vì thiếu đường truyền. Còn theo các chuyên gia độc lập, các trạm quan trắc đã và đang lắp đặt tại khu vực này không có tác dụng nhiều trong cảnh báo động đất cho người dân.

Không truyền được do không có mạng

Theo thông tin từ UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), thời gian gần đây, những trận động đất nhỏ vẫn xuất hiện xung quanh khu vực Sông Tranh 2. Gần đây nhất là chiều 6/11, có một trận động đất nhỏ kéo dài khoảng 5 giây kèm theo tiếng nổ. 10 trận động đất trong khoảng 1 tuần trở lại đây đã khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện không nhận được thông báo nào. Một số người đặt câu hỏi về khả năng đo đạc của các trạm quan trắc đã và đang lắp đặt tại khu vực này.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu khẳng định: Trạm quan trắc đã lắp đặt vẫn hoạt động tốt và ghi nhận mỗi khi xảy ra động đất. Theo quy chế báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, chỉ phát đi thông báo nếu trận động đất có độ mạnh từ 3,5 độ richter trở lên.

Tuy nhiên, trong việc truyền thông tin, khó khăn lớn nhất là lắp đặt đường truyền Internet truyền tín hiệu về trung tâm. Bởi ngoài khu vực xây dựng trạm tại đập chính thì các khu vực xây dựng trạm còn lại đều ở các vùng heo hút xa xôi, dịch vụ viễn thông, nhất là hệ thống cáp quang chưa có nên khó kết nối truyền dẫn tín hiệu. Sau khi lắp đặt xong trạm, trạm chưa kết nối được mạng internet. Vì thế, Viện buộc phải bố trí người trực theo dõi để lấy số liệu truyền về theo phương pháp thủ công. Sở dĩ trong thời gian qua Trạm đầu tiên không cung cấp dữ liệu đo được về Trung tâm là do thiếu đường truyền.

GS Cao Đình Triều, Hội Địa vật lý Việt Nam cho biết, thông thường một trạm quan trắc có thể đo được ngay lập tức các rung chấn xảy ra. Chỉ có điều, nếu trạm chưa được nối mạng internet thì phải có người trực tại trạm mới biết được ngay lập tức các số liệu. Việc chậm trễ xử lý thông tin, phản ứng chậm, khiến người dân lo lắng cũng là lỗi do điều kiện kỹ thuật yếu kém.

Máy đo động đất dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2 được đưa vào hoạt động

Lãng phí?

PGS.TS Phan Văn Quýnh, Đại học Quốc Gia Hà Nội lại nhìn nhận việc lắp đặt các trạm quan trắc ở góc độ khác: "Với chi phí khoảng 10 tỷ đồng bỏ ra lắp đặt các trạm quan trắc, tôi cho là không phù hợp. Nó giống như một cơ thể ốm yếu, thì 1 hay nhiều chiếc cặp nhiệt độ cũng chỉ đo được độ như thế. Ngoài việc xác định được chấn tiêu của các trạm động đất và báo về thì các trạm quan trắc không có nhiều tác dụng lắm. Nên chăng sử dụng 10 tỉ đồng đó vào việc khoan địa chất đến 5 - 7km để xác định mực nước thấm như thế nào, khắc phục nó ra sao", PGS.TS Phan Văn Quýnh nhấn mạnh.

GS Cao Đình Triều cho biết, khi chưa lắp đặt trạm quan trắc ở khu vực Sông Tranh, mọi số liệu đều thu thập từ các trạm đặt ở Bình Định và Huế. Việc lắp đặt 5 trạm quan trắc xung quanh khu vực Sông Tranh 2 để phục vụ cho công tác nghiên cứu nhiều hơn là cảnh báo đối với người dân. Vì xét về tính năng, một trạm địa chấn cũng chỉ có khả năng ghi lại những thông số rung chấn ngay ở thời điểm xảy ra động đất. Việc lắp đặt 1 hay nhiều máy tại cùng một địa điểm thì con số thu nhận được nếu xảy ra động đất cũng sẽ là giống nhau.

Hiện khoảng cách giữa 24 trạm địa chấn trong cả nước là vài trăm km. Tuy nhiên, khi xảy ra động đất, các dữ liệu động đất sẽ được truyền trực tiếp về Viện Vật lý Địa cầu qua vệ tinh/internet.

Tôi thấy có quá nhiều luồng thông tin khiến người dân không biết tin vào đâu. Bản thân các nhà khoa học cũng không cùng thống nhất quan điểm. Tôi đề nghị trong lúc mưa lũ chưa đổ về thì hãy thử tích nước hồ xem nó như thế nào. Chứ nếu chờ đến lúc mưa lũ dồn xuống thì sẽ rất gấp, không thể giải quyết được, nó sẽ trở thành thảm họa. Quan trọng nhất là kịch bản vỡ đập phải luôn được sẵn sàng".         
PGS.TS Phan Văn Quýnh


Theo kienthuc.net.vn
TIN LIÊN QUAN