Sức hấp dẫn từ công nghệ chọn “nickname”

00:00, 28/07/2009

Blackberry Tour, Palm Pre, gia đình Omnia hay HTC Magic, Snap và mới nhất là HTC Hero, Lancaster... nghe thật lôi cuốn, hấp dẫn. Chọn nickname hay cho các dòng sản phẩm mới khi chưa có nhiều đột phá về công nghệ đang là mốt của nhiều hãng điện thoại như một cách quyến rũ khách hàng trong thời buổi mà các model điện thoại ganh đua nhau từng chút một và xuất hiện ngày đa dạng.

“Nick” hay để quyến rũ

“Người hùng” của HTC vừa mới xuất hiện đang gây tò mò cho nhiều người dùng bởi nghe đồn phong phanh, Hero có giao diện Sence đưa hệ điều hành Google Android lên tầm cao mới nhờ khả năng tùy biến cao và tính hữu dụng lớn. Sence cho phép người dùng chọn những phong cảnh khác nhau vào các thời điểm khác nhau theo tính chất công việc hay lúc giải trí thư giãn. Tên hầm hố, Hero còn có cách thiết kế độc đáo khi uyển chuyển vuốt cong phần bên dưới máy tạo nên nét mới lạ cho những đường nét vuông vức đơn giản bên trên.
 
Đặc biệt, việc hỗ trợ Flash để xem được các trình duyệt Web Flash trên màn hình rộng mang ý nghĩa quan trọng tại thời điểm mà người dùng đang yêu cầu chiếc điện thoại phải gánh vác nhiều chức năng cùng một lúc. Anh em nhà HTC còn có HTC Snap mang kiểu dáng hao hao Blackberry (BB) với bàn phím QWERTY, màn hình 2,4inch, Windows Mobile 6.1, camera 2.0M. Các yếu tố như trên thật sự đơn điệu trong thời buổi đã có quá nhiều BB. Nhưng cái tên Snap lại mang tính gợi nhớ, ít nhất cũng là để phân biệt rõ với các dòng BB đang dần chiếm lĩnh trái tim nhiều bạn trẻ.
 
Riêng HTC Magic khiến người dùng tưởng là mẫu mới nhưng thật ra Magic có cấu hình giống G1 đã bị lược bỏ đi bàn phím QWERTY, mục đích giúp máy được mỏng hơn cùng camera 3,2M Auto Focus, vi xử lý Qualcomm 7201A tốc độ 528Mhz, Ram 192MB, Rom 512MB. Quả là không có nhiều khác biệt giữa G1 Dream và HTC Magic, xong cái tên Dream đã được thay thế bằng Magic. Âu cũng là một cách “phù phép” mới của HTC với các dòng sản phẩm mới của mình.

 Với BB Tour thì lại như cách gọi của một chuyến du lịch đầy thú vị, tạo hứng khởi và trông đợi ở người dùng. Nhưng xét về cấu hình với hệ điều hành Rim 4.7.1.10, camera 3.2 Auto Focus, GPS thì Tour không khác Bold là mấy, nhất là khuôn mặt và lại chạy trên mạng CDMA giống với Storm. Nên suy cho cùng thì Tour du lịch này có cái tên rất mời gọi nhưng “chương trình” để quyén rũ khách tham gia thì chưa thật sự mạnh mẽ. Ấn tượng nhất là gia đình nhà Omnia. Chỉ riêng 2 từ gia đình đã cho thấy sự phong phú trong các model sản phẩm, sự gắn kết của một loạt series mới ra của Samsung. Dễ nhận thấy, cả gia đình Omnia cùng chạy trên nền tảng Windows Mobile.
 
Khác chăng là ở khâu thiết kế và các tính năng ứng dụng khác nhau nhằm hướng đến các đối tượng người dùng khác nhau. Omnia Pro B7610 mang kiểu dáng trượt với bàn phím QWERTY, màn hình Amoled rộng 3,5inch, camera Auto Focus 5.0M, đèn Flash, kết nối HSPDA, Wifi, GPS, hỗ trợ thẻ nhớ 32GB. Một trong những mẫu điện thoại chứa đựng đầy đủ các tính năng của nhiều người hiện nay. Các anh em khác của gia đình như Pro B7610, B7320 tập trung hướng đến doanh nhân với bàn phím QWERTY, mạnh ở khâu kết nối Internet. Còn S8000Jet hay i8000 Omnia 2 lại hướng đến người dùng giải trí.
 
Cái tên có làm nên “lịch sử”?

 Với những anh em là dân chơi công nghệ và người sử dụng lâu năm, hẳn cái tên Palm Pre là đáng trông đợi nhất. Sau một quãng thời gian rất lâu lặn bóng giữa biển mênh mông công nghệ, Palm đã trở lại mang tính đột phá lớn. Bên cạnh kiểu dáng như 1 viên đá cuội xinh xinh. Palm Pre còn sở hữu phần mềm và hệ điều hành Web OS khá tốt. Người dùng vừa có thể đọc file PDF vừa có thể nghe radio trên Internet, thậm chí có thể so sánh 2 mail cùng 1 lúc. Blackberry mới đây cũng công bố bộ tứ điện thoại chưa hẹn ngày ra mắt chính thức với các tên nghe rất hoành tráng như BB Magnum, Gemini, Onyx và Pearl 3G.
 
Trong đó, Magnum cũng có bàn phím QWERTY nhưng được hỗ trợ thêm công nghệ Touch. Pearl 3G tuy mới gia nhập nhưng viên ngọc này nổi lên với bàn phím SureType. Còn Gemini thì lại mạnh mẽ ở bộ vi xử lý 512Mhz, màn hình QVGA. Mỗi nhà sản xuất dang ấp ủ nhiều kế hoạch với những con át chủ bài riêng. Không chỉ tư duy để điện thoại có thiết kế đẹp, hữu dụng, ứng dụng công nghệ hiện đại. Quá trình đặt tên cho các sản phẩm cũng chiếm không ít công sức của nhiều hãng điện thoại. Làm sao để cái tên của sản phẩm phải toát lên được những đặc điểm nổi bật, phải dễ nhớ và dễ phân biệt với các sản phẩm của hãng khác luôn làm đau đầu nhà sản xuất.

 Việc sử dụng những danh từ: người hùng (Hero), ước mơ (Dream), ma thuật, (Magic), du lịch (Tour), viên ngọc (Pearl), kim cương (Diamond), ngôi sao (Star)... để thay thế các ký tự số (vừa khó nhớ vừa dễ nhầm với các series số của Nokia vốn đã rất quen thuộc với người dùng Việt Nam) hay chiến dịch tung sản phẩm theo series với nhiều model để tạo thành những bộ tam, bộ tứ, tạo thành gia đình, anh em... cho thấy nỗ lực lớn các hãng với muốn người tiêu dùng ấn tượng và nhớ nhiều hơn đến các dòng máy của mình không chỉ ở cái nhìn đầu tiên mà còn để lại những kỷ niệm nhắc nhớ lâu dài về sau.
 
Như một chuyên gia điện thoại phân tích, chẳng hạn nói con điện thoại S8000Jet, i8000 Omnia 2 thì tương đối khó nhớ, nhất là với người dùng phổ thông. Nhưng chỉ cần nói nó là anh em trong gia đình Omnia thì nghe xuôi tai và gợi nhớ hơn nhiều. Ở một chừng mực nào đó, cái tên đóng vai trò quan trọng để khẳng định vị trí mẫu điện thoại trong lòng người dùng.
 
Đây được xem như một giải pháp tình thế hay của các hãng khi tung sản phẩm mới nhưng chưa có nhiều thay đổi trong công nghệ. Còn có làm nên lịch sử hay không thì cái tên phải tương xứng với nhiều ứng dụng công nghệ hữu ích thật sự giúp người dùng đến được với những trải nghiệm lý thú hòa cùng vẻ đẹp kiểu dáng mới lạ mà iPhone đã thực hiện và làm nên cuộc cách mạng mới đúng như cái tên rất dễ đọc, dễ nhớ thể hiện sự tự tin, cá tính iPhone- tôi điện thoại.

Ái Dân

TIN LIÊN QUAN