Tầm quan trọng của Thiên văn học trong giáo dục phổ thông
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải Nobel Vật lý 2020 với 2 phần: Một nửa cho Roger Penrose "cho khám phá rằng sự hình thành lỗ đen là một dự đoán chắc chắn của thuyết tương đối rộng". Nửa còn lại chung cho Reinhard Genzel và Andrea Ghez "cho việc phát hiện ra một vật thể đặc siêu nặng ở trung tâm thiên hà của chúng ta".
Đây là năm thứ hai liên tiếp và là năm thứ ba trong vòng 5 năm, giải Nobel Vật Lý được trao cho các nghiên cứu trong thiên văn học.
Giải thưởng Thiên văn học đã đánh dấu những bước tiến vượt bậc và tầm quan trọng của vật lý Thiên văn trong vật lý nói riêng và ngành khoa học công nghệ nói chung.
Ở chương trình phổ thông, chúng ta gần như không được tìm hiểu kỹ kiến thức liên quan đến bộ môn thiên văn trong chương trình chính khóa, trong khi bộ môn này liên quan trực tiếp đến các ngành khoa học khác. Ai cũng biết rằng sau khi Einstein nêu ra thuyết tương đối thì chính những kết quả quan trắc thiên văn đã chứng minh tính chính xác của nó. Phát hiện quan trọng của ngành thiên văn học trong những năm 60 về quần thể các vì sao, bức xạ sóng vi ba và các phần tử hữu cơ trong vũ trụ,… đã đặt ra những vấn đề mới cần nghiên cứu và giải đáp cho các ngành khoa học như vật lý cao phân tử, cơ học lượng tử, vũ trụ học, hoá học và nguồn gốc sự sống.
Đối với học sinh phổ thông, thiên văn học là một phần kiến thức rất quan trọng, nó không chỉ giúp các bạn trẻ mở rộng tầm mắt, giải phóng trí tưởng tượng mà còn nuôi dưỡng đam mê khoa học. Các bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vũ trụ, mặt trăng và các vì sao thông qua các bài giảng của giáo viên hay những thước phim khoa học, stem mô hình và tiếp cận kính thiên văn. Đây là môn học sẽ giúp các bạn tìm thấy ước mơ, hoài bão cũng như khát khao chinh phục không gian vũ trụ.
Vì vậy, trong công cuộc đổi mới giáo dục, đổi mới SGK, đội ngũ những người làm giáo dục cũng nên cân nhắc đưa kiến thức Thiên văn học vào ngay từ đầu cấp 2 và có lộ trình cụ thể xuyên suốt đến hết cấp 3 để các bạn có thể làm quen dần với bộ môn này. Khi bắt đầu, chúng ta nên giảng dạy những thứ cơ bản như hiện tượng thời tiết, ngày đêm, sau đó nâng mức độ đến hệ mặt trời, các pha của mặt trăng, nhật thực, nguyệt thực… và đi sâu vào từng hành tinh và các vệ tinh quay xung quanh nhau,… từ đó những kiến thức trên, các bạn học sinh sẽ quen dẫn với việc vẽ sơ đồ các vì sao và dần dần hiểu được cách vũ trụ vận hành.
Việc đưa bộ môn Thiên văn học vào kiến thức THCS là nhiệm vụ khả thi và tất yếu của mọi nền giáo dục vì nó giúp xóa mù về thiên văn học nói riêng và khoa học công nghệ nói chung.
Trần Hiếu