Tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế quốc gia thông qua thúc đẩy và đầu tư hạ tầng số
Theo kế hoạch, năm 2024, mạng 5G sẽ được thương mại hóa tiêu chuẩn SA trên toàn quốc (hiện giá thiết bị rẻ bằng 1/4 so với trước). Cùng với đó, nhà mạng phải sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G để bán cho doanh nghiệp, các ngành thực hiện chuyển đổi số.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thực tế, những năm qua, các doanh nghiệp viễn thông đã, đang đầu tư mạnh cho phát triển hạ tầng, với mạng 4G phủ sóng 99,8% dân số (cao hơn tỷ lệ trung bình 99,4% ở các nước thu nhập cao) và 100% xã, phường. Mạng 5G đã được thử nghiệm tại 59/63 tỉnh, thành phố… Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc đầu tư cho hạ tầng thời gian qua vẫn chưa tương xứng. Một nhà mạng muốn phát triển bền vững thì mỗi năm phải đầu tư 15-20% doanh thu cho mạng lưới. Tốc độ di động của các nhà mạng thấp nhất 10-15Mbps, trung bình 30-45Mbps, xếp hạng 50-60/140 nước chưa phải mức cao của thế giới…
Nguyên nhân khiến đầu tư cho hạ tầng giảm là từ cuộc cạnh tranh quyết liệt bằng các gói cước giá rẻ diễn ra từ nhiều năm trước, khiến chỉ số doanh thu bình quân/thuê bao của Việt Nam (ARPU) giảm mạnh. Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhiều lần đánh giá, cước internet di động tại Việt Nam thuộc nhóm rẻ nhất thế giới. Cùng với đó, sự suy giảm doanh thu liên tiếp từ các dịch vụ viễn thông truyền thống trong những năm gần đây (giảm trên dưới 10%/năm), làm ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư của nhà mạng.
Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) Mai Liêm Trực chia sẻ, đầu tư phát triển hạ tầng 5G chậm bắt nguồn từ sự chần chừ của các nhà mạng. Vì đầu tư cho 5G rất lớn, trong khi chưa biết thị trường sẽ chấp nhận thế nào. Trong khi đó, giá cước viễn thông truyền thống đang đi xuống đặt ra bài toán đầu tư không dễ dàng.
Thêm nữa, với doanh nghiệp nhà nước, nếu đầu tư lớn, lợi nhuận cuối năm sẽ giảm… khiến doanh nghiệp chưa dám triển khai mạnh. Mặt khác, đầu tư lớn cho hạ tầng 5G, nhưng các nhà mạng có roaming với nhau không, dùng chung cơ sở hạ tầng không… vẫn là câu hỏi.
Đầu tư để thúc đẩy không gian tăng trưởng mới
Đại diện Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) chia sẻ, trong năm 2023, tập đoàn đã đầu tư trọng tâm về hạ tầng, công nghệ để làm tiền đề, định hướng cho phát triển tới năm 2025. Trong đó, mạng 5G VinaPhone đã phát sóng thử nghiệm, hiện diện vùng phủ tại 16 tỉnh, thành phố; dung lượng kết nối internet quốc tế tăng 11%; năng lực hạ tầng cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu tăng 12%; hạ tầng tính toán phục vụ điều hành sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tăng khoảng 15%; năng lực hạ tầng điện toán đám mây tăng 41%. VNPT đã đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu (IDC) Hòa Lạc được coi là có quy mô lớn và hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay.
Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) được coi là doanh nghiệp có hạ tầng mạng lưới lớn nhất, với số lượng trạm thu phát sóng, tổng dung lượng kết nối internet quốc tế lớn nhất… Đáng chú ý, mạng 5G Viettel đã hiện diện tại 58 tỉnh, thành phố trong cả nước và sẵn sàng cho việc thương mại hóa sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép chính thức…
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tăng trưởng những năm gần đây của các nhà mạng trong nước thấp hơn tăng trưởng GDP. Cụ thể, viễn thông trong nước của Viettel tăng từ 2% đến 5%, VNPT từ 2% đến 3%, MobiFone thì giảm từ 4% đến 10%/năm… Trong khi đó, đất nước phát triển phải dựa vào không gian mới mà chủ yếu là không gian số với hạ tầng số. Do chưa đầu tư đi trước về xây dựng hạ tầng số, dẫn tới chưa tìm thấy không gian tăng trưởng mới, trong khi không gian cũ đã hết dư địa, thậm chí suy giảm. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng các doanh nghiệp viễn thông chủ chốt của Nhà nước đầu tư vào các hạ tầng viễn thông thế hệ mới (hạ tầng số) để tạo nền tảng mới, động lực mới cho phát triển đất nước.
Dự trên kế hoạch, năm 2024, mạng 5G sẽ được thương mại hóa tiêu chuẩn SA trên toàn quốc (hiện giá thiết bị rẻ bằng 1/4 so với trước). Vì vậy, làm tốt việc kinh doanh 5G tạo ra ít nhất 5-10% tăng trưởng cho nhà mạng. Cùng với đó, nhà mạng phải sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G để bán cho doanh nghiệp, các ngành thực hiện chuyển đổi số. Đây cũng là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cách để tăng năng suất lao động. Có thể tham khảo kinh nghiệm của nhà mạng China Mobile (Trung Quốc), khi phát triển các ứng dụng cho các ngành, lĩnh vực, nhất là ngành công nghiệp. 30.000 ứng dụng 5G công nghiệp đã được phát triển, đưa doanh thu hằng năm của China Mobile tăng trên 10%... Điều này cho thấy, không chỉ là mạng 5G mà cần một hệ sinh thái ứng dụng 5G.
Ngoài ra, 5G cũng sẽ thúc đẩy thuê bao IoT. Nếu phát triển tốt thì đến 2025, Việt Nam có 100 triệu thuê bao IoT, đến 2030 có ít nhất là 200 triệu thuê bao IoT. Đồng thời nhà mạng có điều kiện phát triển các ứng dụng IoT để tăng nguồn thu.
Theo Tạp chí Chất lượng Việt Nam