Tập trung đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh để giải quyết những vấn đề lớn, dài hạn
Quan tâm ưu tiên nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học trẻ, xuất sắc; thúc đẩy đào tạo sau đại học; tài trợ nhóm các nhiệm vụ giải quyết vấn đề lớn, dài hạn… là những lưu ý của Hội đồng khoa học (HĐKH) trong quá trình đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản (NCCB) năm 2024.
Ngày 28/11/2024 tại Hà Nội, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) tổ chức Hội thảo khoa học triển khai đánh giá xét chọn đề tài NCCB do Quỹ tài trợ năm 2024. Hội thảo là dịp để Lãnh đạo Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng quản lý (HĐQL) Quỹ trao đổi, thảo luận với các nhà khoa học về hoạt động đánh giá xét chọn cũng như định hướng, chỉ đạo đối với phát triển của tài trợ NCCB nói riêng, nghiên cứu khoa học nói chung của Việt Nam trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội thảo.
Báo cáo tiếp nhận hồ sơ đề tài NCCB năm 2024, đại diện Quỹ Nafosted cho biết, số lượng hồ sơ tiếp nhận trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2024 là 247 hồ sơ. Quỹ chỉ tiếp nhận hồ sơ tài trợ đề tài NCCB do nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện, ưu tiên các đề tài do nhà khoa học trẻ làm chủ nhiệm, các đề tài kết hợp đào tạo nghiên cứu sinh; đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là 116 hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ của cả nhóm thông thường và nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó ưu tiên tài trợ đối với đề tài đăng ký sản phẩm là 02 bài công bố trên tạp chí ISI uy tín, hỗ trợ đào tạo nghiên cứu sinh.
Đại diện Quỹ cũng nêu lên một số lưu ý trong quá trình đánh giá xét chọn đề tài, đề nghị các HĐKH quan tâm ưu tiên các nhà khoa học trẻ, xuất sắc, thúc đẩy đào tạo sau đại học; Nâng cao chất lượng, hướng tới các sản phẩm công bố xuất sắc; Phát triển mạng lưới hợp tác nghiên cứu trong nước/quốc tế; Tài trợ nhóm các nhiệm vụ giải quyết vấn đề lớn, dài hạn…
Chủ trì phiên thảo luận với các thành viên HĐKH, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Chủ tịch HĐQL Quỹ cho biết, nhiệm vụ NCCB giai đoạn tới sẽ được tái cơ cấu thành 2 nhóm: theo các lĩnh vực khác nhau và tập trung vào các nhóm nghiên cứu mạnh. Đồng thời triển khai NCCB theo chủ đề, tập trung vào các lĩnh vực như: dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học trong nông nghiệp…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Chủ tịch HĐQL Quỹ phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học đã thảo luận và đưa ra những góp ý về chính sách nhằm phát huy hiệu quả việc triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ. Các thành viên HĐKH đều cho rằng, NCCB góp phần nâng cao trình độ khoa học của một quốc gia nói chung và nâng cao chất lượng giảng dạy của các trường đại học nói riêng, do đó cần có một cơ chế tài chính phù hợp để tạo ra những đề tài có giá trị, hiệu quả.
Theo các thành viên HĐKH, Quỹ cần có cơ chế chọn Hội đồng, đảm bảo liêm chính học thuật, ưu tiên đầu tư cho các nhà khoa học trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cần quan tâm nhiều hơn đến đối tượng sau tiến sĩ…
Các thành viên HĐKH trao đổi tại Hội thảo.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cảm ơn đóng góp của các thành viên HĐKH trong hoạt động của Quỹ thời gian qua. Đối với các kiến nghị của các thành viên, Thứ trưởng đề nghị Cơ quan điều hành Quỹ ghi nhận, tiếp thu, báo cáo các cơ quan quản lý cấp trên để sớm có những điều chỉnh hợp lý về chính sách trong quản lý và triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ. Thứ trưởng khẳng định, ủng hộ mạnh mẽ việc đảm bảo liêm chính nghiên cứu, mong muốn các nhà khoa học đóng góp, chia sẻ duy trì nguyên lý tôn trọng học thuật, chọn lọc hiệu quả các nhóm đề tài mạnh có trọng tâm trọng điểm đối với hoạt động nghiên cứu khoa học tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy chụp ảnh cùng các thành viên HĐKH.