Tập trung nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo 6 tháng cuối năm 2025

11:12, 22/07/2025

Tại phiên họp lần thứ 3 sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm.

Nhóm nhiệm vụ về chỉ đạo, điều hành

Thủ tướng nêu rõ đây là khâu then chốt, phải quyết liệt, cụ thể, rõ trách nhiệm; nói đi đôi với làm, làm có kết quả, tạo chuyển biến rõ nét trong thực tế, làm đến cùng, làm ra sản phẩm, chấm dứt tình trạng "đánh trống bỏ dùi".

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn lực để hoàn thành sớm các nhiệm vụ theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Phát huy hiệu quả vai trò các tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ, trong việc thành lập các đoàn công tác để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm.

Tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền; vận hành đồng bộ, hiệu quả chính quyền địa phương 02 cấp. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

thu tuong

Đẩy mạnh rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, xác định đột phá về thể chế là "đột phá của đột phá", phải đi sớm, đi trước mở đường cho phát triển

Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, sửa đổi, bổ sung 4 luật: Luật Chuyển đổi số, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Luật Công nghệ cao (sửa đổi) và Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); sửa đổi Nghị định số 82/2024/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm thủ tục đầu tư nhanh chóng, thuận tiện; đề xuất cơ chế khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai các sản phẩm nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, trường đại học; triển khai Chiến lược thu hút nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050, hoàn thành trong tháng 9/2025…

Bộ Công an xây dựng, trình ban hành "Kiến trúc dữ liệu tổng thể quốc gia", "khung quản trị, quản lý dữ liệu" và "từ điển dữ liệu", hoàn thành trong tháng 8/2025.

Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng, then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế

Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và quy trình tuyển dụng tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng để triển khai các hệ thống chiến lược, các sáng kiến đột phá trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 7/2025; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong và ngoài nước; có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc, hoàn thành trong tháng 8/2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, trình ban hành Khung chiến lược giáo dục đại học; đề án rà soát, sắp xếp hệ thống các viện nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục đại học trong các viện nghiên cứu, hoàn thành trong quý III/2025.

Mỗi bộ, ngành, địa phương lựa chọn một tổng công trình sư về công nghệ thông tin, một tổng công trình sư về nghiệp vụ phối hợp Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và doanh nghiệp công nghệ để xây dựng kiến trúc và chiến lược chuyển đổi số của bộ, ngành mình.

Về chuyển đổi số

Đây là nhiệm vụ có tính đột phá chiến lược, quyết định hiệu quả quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng giao Bộ Công an đôn đốc các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai 116 cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là 11 cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo Kế hoạch số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương. Trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy triển khai các giải pháp công nghệ phục vụ người dân và doanh nghiệp gắn với dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, hoàn thành trong tháng 8/2025.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và 6 thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, xây dựng, phê duyệt Đề án đô thị thông minh trong tháng 7/2025 và tổ chức triển khai ngay trong năm 2025.

Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP. Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các giải pháp để đạt quy mô kinh tế số đạt 20% GDP vào cuối năm 2025.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty tiếp tục triển khai hạ tầng số, phủ sóng 5G toàn quốc gắn với việc thúc đẩy triển khai Internet vệ tinh; khẩn trương khắc phục tình trạng các thôn, bản lõm sóng, thiếu điện.

Về triển khai Đề án 06

Thủ tướng khẳng định đây là nhiệm vụ nền tảng, chiến lược để xây dựng và vận hành hiệu quả Chính phủ số, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, góp phần hiện đại hóa quản trị quốc gia.

Bộ Công an đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06, trong đó sớm hoàn thành 40/61 tiện ích trên nền tảng VNeID phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý xã hội; phối hợp với các bộ, ngành thực hiện cắt, giảm, đơn giản hóa đối với 324 TTHC đã có các giấy tờ được tích hợp và chia sẻ trong ứng dụng VNeID; triển khai liên thông đơn thuốc từ các bệnh viện đến hệ thống điều phối dữ liệu y tế, nhà thuốc để tích hợp đồng bộ trên VNeID, người dân được liên thông dữ liệu đơn thuốc và nhận thuốc tại nhà, thí điểm từ tháng 8/2025 và triển khai chính thức trong tháng 9/2025.

Cùng với đó, sớm nghiên cứu, xây dựng đám mây dữ liệu (Cloud) công dân tích hợp trên nền tảng VNeID (nâng cấp lên Mức độ 3) nhằm tạo nền tảng số thống nhất để người dân thực hiện TTHC trực tuyến toàn trình một cách thuận tiện, bảo mật và hiệu quả, thúc đẩy quản lý xã hội hiện đại, văn minh.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC theo Nghị quyết số 66/NQ-CP, bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết, ít nhất 30% chi phí tuân thủ, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và 100% TTHC được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh trong năm 2025. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng "cò làm giấy tờ" tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Cùng với đó, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Kế hoạch số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương. Tổ chức triển khai thực hiện TTHC thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương nghiên cứu, báo cáo HĐND cấp tỉnh đẩy mạnh chính sách thu phí "0 đồng" đối với việc thực hiện TTHC trực tuyến thuộc phạm vi giải quyết của địa phương, hoàn thành trong tháng 7/2025. Thường xuyên phối hợp với Bộ Công an kiểm tra tổng thể hệ thống thiết bị, phần mềm, ứng dụng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.

Bảo đảm kinh phí và nguồn nhân lực

Theo Thủ tướng, đây là điều kiện tiên quyết, yếu tố quyết định sự thành công của các chương trình, kế hoạch, đề án; phải đầu tư đúng mức, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính bố trí đủ ngân sách Nhà nước theo đề xuất từ các bộ, ngành, địa phương; ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, liên ngành, liên vùng, có tính đột phá và lan tỏa; cắt giảm các nhiệm vụ, dự án dàn trải, hình thức, tập trung nguồn vốn cho đầu tư phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và các dự án phát triển công nghệ chiến lược.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại cổ phần tổ chức triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đúng đối tượng với lãi suất thấp gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng nhằm thúc đẩy đầu tư vào KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hạ tầng chiến lược.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ, dự án KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số có mục tiêu, sản phẩm đầu ra cụ thể, khả thi, tránh dàn trải, hình thức; ưu tiên các dự án chuyển đổi số phục vụ vận hành chính quyền địa phương 02 cấp.

Các bộ, ngành, địa phương triển khai đào tạo, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, đảm bảo khả năng vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo trực tuyến trên nền tảng "Bình dân học vụ số".

Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nội vụ đề xuất danh sách tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, khen thưởng, động viên kịp thời.