Taxi công nghệ bắt đầu mở rộng hoạt động đến các tỉnh thành
Kể từ ngày 1/4, khi nghị định 10 chính thức có hiệu lực sẽ hợp pháp hóa xe công nghệ tại Việt Nam. Điều này giúp các hãng xe công nghệ “rộng cửa” phát triển hơn, vượt ra khỏi giới hạn 5 tỉnh thành, đem lại nhiều lợi ích và đối tác tài xế.
“Cởi trói” cho xe công nghệ
Quyết định 146 chính thức khép lại giai đoạn thí điểm dịch vụ xe công nghệ trên 5 tỉnh, thành tại Việt Nam. Các hãng xe công nghệ bắt đầu tính đến câu chuyện mở rộng thị trường, hoạt động theo nghị định 10.
Sau khi nghị định 10 có hiệu lực, các hãng xe công nghệ sẽ mở rộng hoạt động trên nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam
Không chỉ vậy, nghị định 10 tạo ra môi trường thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải, kích thích cải tiến, cạnh tranh, sáng tạo, các bên cùng cố gắng để đem lại dịch vụ cho hành khách. Hành khách sẽ là đối tượng luôn được hưởng lợi từ chất lượng dịch vụ, giá thành dịch vụ.
Các hãng xe công nghệ trên thị trường như Grab, be, FasGo được lựa chọn loại hình phù hợp và đều đã đưa ra các lựa chọn của mình. Trong khi be vẫn là đơn vị hoạt động theo mô hình vận tải ngay từ đầu thì ứng dụng gọi xe FastGo lựa chọn là ứng dụng kết nối.
Grab nhận thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng lớn để đầu tư, tập trung trong lĩnh vực vận tải. Để chuẩn bị cho việc mở rộng hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, Grab đã có những cuộc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thị trường ở nhiều tỉnh, thành. Grab cũng sẵn sàng liên kết với các doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã vận tải, các công ty taxi.
Đây được cho là động thái mở rộng đầu tiên của hãng xe công nghệ khi được hoạt động một cách “chính danh”. Bước đi khá quen thuộc, GrabCar được mở rộng ở các địa phương giàu tiềm năng du lịch. Trong khi đó, dù “tham vọng” mở rộng hoạt động ra 22 tỉnh, thành như dự kiến trước đó chưa thành hiện thực nhưng đối thủ của Grab là be hiện đang có mặt tại 7 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Nai và Bình Dương.
Xe hợp đồng phải tuân thủ nhiều quy định mới
Được phép mở rộng hoạt động ra các địa phương trên cả nước nhưng hoạt động của các dịch vụ xe công nghệ phải chịu sự quản lý và tuân theo quy hoạch chung của từng địa phương.
Ngoài ra, cũng theo quy định mới các loại xe vận tải hành khách sử dụng phần mềm cũng phải chịu các quy định như kinh doanh taxi.
Cụ thể, để đủ điều kiện hoạt động, các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng như GrabCar, be, FastGo… phải được cấp lại phù hiệu và niêm yết một các thông tin cần thiết.
Từ tháng 7 tới, các tài xế cũng phải dán 3 loại tem: phù hiệu xe hợp đồng (thường gắn ở kính trước xe), logo hợp tác xã (gắn ở cửa xe), tem GrabCar (dán ở kính lái bên trong xe).
Thông tin bắt buộc đầu tiên là tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải. Kích thước tối thiểu dài 20cm và rộng 20cm. Vị trí dán ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe.
Phía dưới tem đăng kiểm của xe cần dán thêm phù hiệu, biển hiệu. Ngoài ra ở kính trước và sau xe phải dán thêm cụm từ “Xe hợp đồng”. Bên trong xe cần có hướng dẫn an toàn giao thông, bình chữa cháy.
Một thông tin nữa khi hoạt động tại các địa phương, đó là việc quản lý các nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp. Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan quản lý tham mưu UBND thành phố quản lý chặt chẽ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với đơn vị cung cấp phần mềm, đơn vị kinh doanh vận tải để thực hiện hợp đồng điện tử. Đồng thời hướng dẫn việc thực hiện kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử, vé điện tử của các loại hình kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô; tham mưu cho UBND thành phố quy định về quản lý và kê khai giá cước đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi…
Minh Anh