Tham vọng lớn của Thái Lan với ngành công nghiệp bán dẫn

07:38, 15/04/2025

Đây là thời điểm quan trọng để Thái Lan khẳng định vai trò trong ngành bán dẫn toàn cầu bằng cách thích nghi linh hoạt và xây dựng một hệ sinh thái sản xuất hiện đại, gắn kết và bền vững.

Thái Lan đang đặt ra tham vọng lớn nhằm nâng cấp ngành công nghiệp bán dẫn, hướng đến các phân khúc có giá trị cao hơn trong chuỗi sản xuất như thiết kế chip và chế tạo tấm bán dẫn (wafer fabrication). Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu, quốc gia Đông Nam Á này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết thông qua quản trị hiệu quả và sự nhất quán trong chính sách.

Tương quan ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và cơ hội của Thái Lan

Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu hiện đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng cung - cầu do nhu cầu tăng cao cùng với những gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Tình trạng này khiến nhiều quốc gia và doanh nghiệp (DN) phải xem xét lại chiến lược sản xuất, trong đó có khả năng chuyển dịch các cơ sở sản xuất sang Thái Lan.

Để tận dụng hiệu quả làn sóng đầu tư, các DN Thái Lan cần sẵn sàng thay đổi, chấp nhận chuyển mình và nâng cao năng lực cạnh tranh. (Ảnh: Fulcrum)

Nguyên nhân của sự mất cân đối này đến từ một loạt các yếu tố như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19, và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Dù công suất và sản lượng đã phục hồi đáng kể sau đại dịch, sự chênh lệch giữa cung và cầu vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục, và có thể sẽ tiếp tục gia tăng khi nhu cầu bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh nỗ lực củng cố và bảo vệ ngành công nghiệp bán dẫn nội địa nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Đạo luật CHIPS nhằm thúc đẩy sản xuất bán dẫn trong nước, trong khi các nhà sản xuất châu Á cũng đang quyết liệt bảo vệ vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với Thái Lan, đây được xem là cơ hội lớn để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn, nhất là khi làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ. Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng Thương mại Siam (SCB EIC), ngành bán dẫn của Thái Lan có tiềm năng phát triển đáng kể trong giai đoạn tới khi các nhà máy sản xuất quốc tế cân nhắc chuyển dịch sang đây. Vị trí địa lý chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển và lực lượng lao động có kỹ năng là những lợi thế cạnh tranh nổi bật của Thái Lan trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả làn sóng đầu tư, các DN Thái Lan cần sẵn sàng thay đổi, chấp nhận chuyển mình và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua hợp tác chiến lược, liên doanh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là thời điểm quan trọng để Thái Lan khẳng định vai trò trong ngành bán dẫn toàn cầu bằng cách thích nghi linh hoạt và xây dựng một hệ sinh thái sản xuất hiện đại, gắn kết và bền vững.

Thành lập Ủy ban bán dẫn quốc gia để dẫn dắt chiến lược

Ngày 25/10/2024, Ủy ban Chính sách Quốc gia về Công nghiệp Bán dẫn và Điện tử tiên tiến của Thái Lan (National Semiconductor Board - NSB) chính thức được thành lập, với mục tiêu thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn và điện tử tiên tiến. Cơ quan này do Thủ tướng Thái Lan làm chủ tịch, gồm nhiều bộ trưởng, đại diện các cơ quan kinh tế chủ chốt và Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan.

NSB là bước tiếp theo trong nỗ lực chính sách kéo dài nhiều năm nhằm đưa Thái Lan tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn, trong bối cảnh căng thẳng công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Trước khi NSB ra đời, các ưu đãi đầu tư từ Cục Đầu tư Thái Lan (BOI) trong giai đoạn 2014 - 2022 chủ yếu tập trung vào ngành xe điện (EV), trong khi lĩnh vực bán dẫn chỉ được hỗ trợ ở mức độ vừa phải.

Tuy nhiên, kể từ năm 2021, làn sóng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia (MNEs) như Hana Semiconductors, Infineon và Delta đã làm thay đổi cách tiếp cận chính sách. BOI bắt đầu bổ sung các hoạt động có giá trị cao như thiết kế bán dẫn và chế tạo wafer vào danh sách được ưu đãi đầu tư từ năm 2022.

Hai tiểu ban và mục tiêu 86.000 kỹ sư

NSB hiện có hai tiểu ban chuyên trách. Tiểu ban đầu tiên tập trung xây dựng chiến lược quốc gia và thu hút đầu tư từ các tập đoàn bán dẫn toàn cầu. Tiểu ban thứ hai tập trung phát triển nguồn nhân lực - mục tiêu cụ thể là đào tạo 86.000 kỹ sư và nhà khoa học cho ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử tiên tiến trong giai đoạn 2025 - 2030.

Một công ty tư vấn tư nhân đã được thuê để xây dựng lộ trình phát triển ngành bán dẫn, đóng vai trò nền tảng cho chiến lược quốc gia. Lộ trình này hiện tập trung vào phát triển các phân khúc mô-đun điện tử công suất (power modules), vốn được sử dụng trong xe điện, trung tâm dữ liệu và hệ thống lưu trữ năng lượng.

Tuy nhiên, cách tiếp cận quá hẹp này có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội tiềm năng. Thái Lan nên mở rộng phạm vi lộ trình để bao phủ thêm các phân khúc thiết bị điện tử khác có thành tích xuất khẩu ấn tượng trong những năm gần đây, như thiết bị truyền thông, cảm biến hình ảnh và thiết bị quang học.

Bài học từ quá khứ và hướng đi cho tương lai

Một trong những vấn đề then chốt là làm thế nào để các DN trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn. Thái Lan cần tránh lặp lại sai lầm trong những năm 1980 - 1990, khi các tập đoàn nước ngoài hoạt động trong các "ốc đảo công nghiệp" mà DN nội địa không thể tham gia.

Được thành lập tại Bangkok vào năm 1974, NXP Semiconductors Thái Lan là cơ sở sản xuất bán dẫn hiện đại chuyên lắp ráp và thử nghiệm các mạch tích hợp (IC).

Tuy nhiên, giải pháp không nên là áp đặt các quy định như yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa, vốn khó khả thi trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu yêu cầu mạng lưới nhà cung ứng tinh gọn và tin cậy. Thay vào đó, Thái Lan nên hỗ trợ phát triển các công ty thiết kế bán dẫn độc lập (fabless), vốn chỉ thiết kế và kinh doanh chip mà không sở hữu nhà máy sản xuất. Những công ty này đóng vai trò then chốt trong cung ứng cho các ngành sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị y tế đeo tay và các sản phẩm công nghệ thông minh khác.

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng nên khuyến khích đầu tư vào hoạt động sản xuất wafer - một bước đi chiến lược nhằm tạo điều kiện cho việc hiện thực hóa các thiết kế chip trong nước. Với xu hướng công nghệ hiện tại, việc đầu tư vào các nhà máy chế tạo chip quy mô nhỏ và chi phí thấp là khả thi. Các công ty thiết kế nhỏ có thể thử nghiệm, tạo mẫu, từ đó phát triển ngành thiết kế chip nội địa.

Hệ sinh thái này cần được hỗ trợ thêm bằng các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ, ví dụ như quỹ đầu tư mạo hiểm. Nếu làm tốt, Thái Lan có thể hình thành một hệ sinh thái mới trong ngành điện - điện tử, giúp DN nội phát triển độc lập, mở ra cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn hơn và củng cố các ngành công nghiệp hạ nguồn.

Tín hiệu chính sách rõ ràng và cam kết chính trị

Dù các kế hoạch đầy tham vọng, câu hỏi lớn đặt ra là liệu NSB có thể đạt được mục tiêu? Việc xây dựng hệ sinh thái mới đòi hỏi nguồn tài chính công lớn để hỗ trợ hợp tác công - tư. NSB cần rút kinh nghiệm từ thất bại của Alphatec Electronics - một trong những công ty điện tử lớn nhất Thái Lan thập niên 1990, khi dự án wafer fabrication đổ vỡ do lãnh đạo sử dụng vốn sai mục đích.

Lộ trình phát triển ngành cần được triển khai theo các giai đoạn dài hơi, với mục tiêu và mốc cụ thể, đồng thời phải đi kèm với cơ chế giám sát và quản trị minh bạch.

Dù sao, việc thành lập NSB đã thể hiện cam kết của Thái Lan trong việc xây dựng một hệ sinh thái mới cho ngành bán dẫn và điện tử tiên tiến. Việc mở rộng đào tạo nhân lực là một bước đi đúng đắn để thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới, đơn vị phụ trách một trong hai tiểu ban, cần phát đi tín hiệu rõ ràng về cam kết dài hạn của Thái Lan đối với việc nâng cấp nguồn nhân lực.

Cuối cùng, NSB cần xây dựng một hệ thống giám sát hiệu quả để điều chỉnh chính sách kịp thời. Đây là thời điểm Thái Lan cần thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ và cam kết đủ nguồn lực để rút ngắn khoảng cách với các quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử./.