Thanh Hóa tổ chức dạy học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 để kịp với lịch kết thúc năm học

Minh Hà 15:30, 13/03/2020

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng giao các đơn vị chuyên môn khẩn trương xây dựng kế hoạch xong trước ngày 16/3 để triển khai thí điểm dạy và học trực tuyến cho học sinh trên địa bàn.

Ngày 11/3, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì hội nghị bàn các giải pháp để triển khai dạy và học trực tuyến cho học sinh tỉnh này trong thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã phối hợp với các doanh nghiệp sẽ triển khai hai hệ thống hỗ trợ giáo dục trực tuyến: VNPT-Elearning của Viễn thông Thanh Hóa và Hệ thống mạng xã hội học tập Viettelstudy của Viettel; Hệ thống học trực tiếp của công ty Toliha.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Sở đã tập huấn cho 775 trường học trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát triển khai hệ thống VNPT-Elearning (http://thanhhoa.lms.vnedu.vn) đã có 445 trường đã đưa bài giảng lên hệ thống; 176 trường đưa từ 10 bài giảng trở lên. Còn tại hệ thống Viettelstudy (http://viettelstudy.vn) ôn luyện cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019 thu hút 3.590 lượt học sinh tham gia học tập và ôn luyện trên mạng xã hội học tập.

Thanh Hóa sẽ đưa các hệ thống phần mềm vào dạy học trực tuyến trên địa bàn toàn tỉnh để phòng chống dịch Covid-19.

Đối với hệ thống VNPT E-Learning, các trường có thể khởi tạo site riêng của trường một cách nhanh chóng mà không cần cài đặt bất kỳ phần mềm nào.

Với phần mềm này, giáo viên sẽ có công cụ để quản lý và thiết kế kho bài giảng điện tử, bài kiểm tra cho học sinh một cách dễ dàng. Các tài liệu học tập sẽ được định dạng như phim, ảnh… và trực tiếp upload lên hệ thống hoặc từ bất cứ nguồn tư liệu sẵn có khác, như: YouTube, Google, Wiki… hoặc website của nhà trường.

Đối với hệ thống mạng xã hội học tập Viettelstudy, đây là cổng nội dung giáo dục trực tuyến được phát triển bởi Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông quân đội Viettel, sẽ hỗ trợ học sinh từ cấp tiểu học đến THPT cả về kiến thức và kỹ năng sống.

Ứng dụng cung cấp những khóa học căn bản theo khung chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo, giúp học sinh có thể ôn luyện bài học trên lớp, tự đánh giá năng lực và hỗ trợ giáo viên, phụ huynh theo dõi tiến độ học tập của con em mình.

Việc triển khai dạy và học trực tuyến được UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành liên quan đánh giá là biện pháp hữu hiệu nhất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn ra phức tạp; là cách vừa đảm bảo học tập của học sinh và phòng, tránh dịch bệnh hiệu quả.

Dù vậy, việc triển khai kế hoạch học trực tuyến đối với học sinh từ cấp tiểu học đến THPT toàn tỉnh chưa từng có tiền lệ, nên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã giao các đơn vị liên quan đánh giá kỹ lưỡng để lựa chọn hệ thống dạy và học phù hợp, và có yếu tố bền vững.

Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng kế hoạch, lựa chọn một số lớp ở một số trường học cấp THPT và THCS để triển khai thí điểm. Kế hoạch phải xong trước ngày 16/3, để UBND tỉnh xem xét, quyết định việc dạy và học trực tuyến.

Do lần đầu tiên triển khai việc dạy và học trực tuyến nên tỉnh Thanh Hóa phải tổ chức thí điểm, rút kinh nghiệm mới triển khai trên diện rộng.

Trước đó, ngày 6/3, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 của các cấp giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Cụ thể, đối với các bậc học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, trước ngày 25/6 phải kết thúc học kỳ 2; trước ngày 30/6 phải kết thúc năm học 2019 - 2020.

Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS phải xong trước ngày 30/6; hoàn thành tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2020 - 2021 xong trước ngày 20/8. Riêng đối với giáo dục thường xuyên xong trước ngày 31/8.

Đối với việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lam Sơn, lớp 10 THPT và lớp 10 THPT Dân tộc nội trú năm học 2020 - 2021 vào đầu tháng 7 phải thực hiện xong; xét tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2020 - 2021 phải xong trước ngày 15.8.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, việc áp dụng các phần mềm học trực tiếp thì cũng có những hạn chế như học sinh không có cơ hội nhiều để trao đổi với nhau; giáo viên chưa quen việc sử dụng CNTT nên làm tăng lượng công việc cũng như áp lực đối với giáo viên.

Hoặc nhiều học sinh không đủ điều kiện tham dự các lớp học này vì thiếu máy tính, smartphone, phương tiện hỗ trợ... đặc biệt là đối với học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thùy CHi/TH