Thảo luận chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

15:48, 01/10/2024

Thực trạng xây dựng và áp dụng chính sách pháp luật trong quản lý công nghệ; Những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ; Chính sách về thẩm định và chuyển giao công nghệ và định hướng cải thiện khung pháp lý về hoạt động này trong thời gian tới… là những nội dung được trao đổi tại Diễn đàn Chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội diễn ra ngày 30/9/2024 tại Hà Nội.

Diễn đàn nằm trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, được đồng chủ trì bởi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nhằm tạo ra một không gian đối thoại, thảo luận sâu rộng giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo.

Đây là cơ hội để các bên cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, ý tưởng và tầm nhìn về các chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Các đại biểu Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), việc ứng dụng chuyển giao công nghệ và ĐMST có vai trò quan trọng nhằm nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu rộng và mạnh mẽ, trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo được sản phẩm dịch vụ có tính cạnh tranh vượt trội đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Mặt khác cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế trong thời gian gần đây dẫn đến gia tăng các biện pháp tăng cường bảo hộ cạnh tranh khốc liệt về công nghệ cùng với những đòi hỏi mục tiêu phát triển bền vững là những yếu tố thực tiễn đã đặt ra cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải có giải pháp cốt yếu để hấp thụ và đổi mới công nghệ, tiến tới tự chủ được công nghệ và vượt qua khó khăn thách thức.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định, KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục khẳng định, KH,CN&ĐMST là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Quan điểm này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về vai trò của KH&CN trong tiến trình phát triển đất nước, trong đó lấy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, chuyển dần từ gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang tăng năng suất chất lượng lao động, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ ĐMST của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Thứ trưởng Hoành Minh nhấn mạnh, với chủ trương lấy doanh nghiệp là trung tâm của ĐMST quốc gia, thời gian qua Bộ KH&CN đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng chuyển giao và phát triển công nghệ, hướng dẫn hỗ trợ các địa phương đánh giá trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp với một số ngành chủ lực, mũi nhọn. đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, triển khai các chương trình KH&CN quốc gia, xác định tìm kiếm chuyển giao công nghệ của các địa phương, doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ tìm kiếm giới thiệu kết nối nguồn cung công nghệ của nước ngoài. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng thiết lập và tăng cường gắn kết chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng chuyển giao đổi mới công nghệ ĐMST trong các ngành, lĩnh vực sản xuất và kinh doanh.

Các đại biểu tham luận tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận những nội dung chính như: Thực trạng xây dựng và áp dụng chính sách pháp luật trong quản lý công nghệ hiện nay của Việt Nam; Những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ; Chính sách về thẩm định và chuyển giao công nghệ theo pháp luật hiện hành và định hướng cải thiện khung pháp lý về hoạt động này trong thời gian tới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các giải pháp công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng giá trị sản phẩm; Cơ chế, chính sách KH&CN thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới Net Zero bao gồm việc hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân và cộng đồng cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu; Giới thiệu Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam”…

Các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trao đổi tại Diễn đàn.

Theo đó, đây là cơ hội để các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học kết nối với doanh nghiệp, cùng nhau tìm ra những giải pháp công nghệ thiết thực, góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam.