Thế giới lạc quan trước triển vọng phát triển của Việt Nam

11:50, 29/04/2024

Các chuyên gia kinh tế cũng như truyền thông quốc tế tuần qua đã có nhiều bài viết đánh giá lạc quan về triển vọng đầu tư, cơ hội tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Hình minh hoạ.

Trang Asia Fund Managers thông tin, các công ty quản lý tài sản lạc quan về triển vọng đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng và có đủ các yếu tố để trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về tăng trưởng ở châu Á.

Cùng chung nhận định này, trang Enterpreneu đánh giá Việt Nam là một nhân tố sôi động trong bối cảnh kinh tế khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã và đang thu hút được sự chú ý của toàn cầu nhờ triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn.

Ông Hoàng Huy - Chuyên gia phân tích chiến lược, Ngân hàng Đầu tư Maybank, cho biết: "Về lợi thế, chúng ta có chi phí nhân công thuộc dạng thấp so với các nước khu vực. Chúng ta tham gia được rất nhiều FTA và quan trọng nhất là Việt Nam đã hình thành được một hub về sản xuất điện tử. Trong 10 năm vừa qua, giá trị xuất khẩu này của Việt Nam tăng mạnh và hiện tiệm cận với Singapore, nhiều khả năng sẽ vượt Singapore trong thời gian tới".

Trang The Star của Malaysia nhấn mạnh, rằng triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 liên quan đến việc phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy phát triển dài hạn.

Trong khi đó, bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định, rằng: "Để đáp ứng mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và hơn thế nữa, điều bắt buộc là phải đào tạo lực lượng lao động nắm được các bí quyết trong các lĩnh vực dịch vụ, hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, cần cân bằng chính sách, linh hoạt giữa các yếu tố như phục hồi kinh tế, chống lạm phát, chính sách tiền tệ để tăng niềm tin với các nhà đầu tư và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam".

Trong khi đó, trang Vietnam – Briefing, cho biết, sau một năm 2023 đầy thử thách, quý I năm 2024 đã mang đến làn sóng lạc quan cho các doanh nghiệp địa phương thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. Từ dệt may đến dầu khí, ngân hàng đến bán lẻ, các ngành công nghiệp chính đang báo cáo kết quả lạc quan, báo hiệu sự thay đổi tiềm năng và tạo tiền đề cho một năm tăng trưởng và cơ hội.

Giới chuyên gia, các nhà phân tích và báo chí truyền thông quốc tế cũng nhấn mạnh, rằng Việt Nam cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Cường quốc thương mại điện tử ở Đông Nam Á

Việt Nam đã nổi lên như một trong những thị trường giải trí mua sắm hứa hẹn nhất và được kỳ vọng sẽ trở thành một cường quốc thương mại điện tử ở Đông Nam Á.

Tờ Nikkei Asia mới đây đưa tin, rằng TikTok Việt Nam cho biết số lượng người bán và doanh số bán hàng trung bình trên ứng dụng của họ đã tăng gấp ba lần vào năm ngoái, thúc đẩy sự lạc quan của họ tại quốc gia này.

Công ty phân tích dữ liệu thị trường Metric, cho biết nền tảng ByteDance của Trung Quốc đã vượt mặt Lazada để trở thành thị trường trực tuyến số 2 của Việt Nam sau Shopee, với các nhà cung cấp trong nước kiếm được khoảng 1,3 tỷ USD trong sáu tháng qua.

Theo DataReportal, TikTok Việt Nam có 67 triệu người dùng vào đầu năm nay so với 50 triệu một năm trước đó ở đất nước 100 triệu dân, so với 73 triệu người dùng của Facebook và 63 triệu của YouTube.

Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, doanh thu sản phẩm bán qua mô hình bán lẻ trực tuyến B2C đã tăng từ 10,8 tỷ USD năm 2018 lên 20,5 tỷ USD vào năm ngoái. Con số này được dự báo sẽ tăng đột biến trong thời gian tới và đạt 650 nghìn tỷ đồng (26,31 tỷ USD) vào năm 2024.

Trong khi đó, theo báo cáo về thị trường bán lẻ trực tuyến năm 2023 do nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric công bố, 2,2 tỷ mặt hàng đã được giao thành công thông qua 5 nền tảng thương mại điện tử lớn tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop, tăng 52,3% so với năm 2022.

Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek và Brain & Company, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất. Doanh thu và khối lượng bán hàng B2C tại Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục xu hướng tăng, với 5 nền tảng thương mại điện tử hàng đầu dự kiến ​​​​sẽ kiếm được 310 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, đạt mức tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm trước

Theo Tạp chí Thương Trường

https://thuongtruong.com.vn/news/the-gioi-lac-quan-truoc-trien-vong-phat-trien-cua-viet-nam-120443.html