Thị trường ô tô điện - Mảnh đất màu mỡ chờ được khai phá
Thị trường ô tô điện tại Việt Nam là một thị trường mới và rất tiềm năng, cơ hội để phát triển vẫn rất rộng mở dành cho các nhà sản xuất ô tô. Hiện nay, ngoài xe điện VinFast đã gây được tiếng vang trên thị trường, nhiều dòng xe ô tô điện chuẩn bị ra mắt sẽ tiếp tục mang đến những luồng gió mới cho người tiêu dùng.
Sự trở lại ngoạn mục của ô tô điện
Ngành công nghiệp ô tô đã mất nhiều năm để tiến hóa từ xe điện lên xe sử dụng xăng, dầu diesel và giờ đây, xu hướng mới lại đang quay trở về xe điện. Xu hướng này ngày càng được định hình rõ ràng trong vài năm gần đây khi ngày càng nhiều nước trên thế giới hướng tới năng lượng sạch và xem trọng vấn đề môi trường. Bất chấp doanh số bán ôtô nói chung giảm 20% trong đại dịch Covid-19, doanh số ô tô điện tăng 43% trong năm 2020 lên tổng số 3,2 triệu chiếc. Những gì đang diễn ra trong ngành công nghiệp ôtô, không chỉ là sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng, mà còn là một cuộc cách mạng công nghệ.
Ngành sản xuất ô tô điện Việt Nam không nằm ngoài xu thế và đang có được nhiều bước tăng trưởng nhảy vọt trong những năm trở lại đây. Nhà sản xuất ô tô nội địa đầu tiên của Việt Nam - VinFast thuộc Tập đoàn VinGroup có tham vọng và kế hoạch lớn để trở thành nhà hãng xe hàng đầu thị trường. Song song đó, VinFast cũng đang đầu tư mạnh tay phát triển thị trường ô tô điện. Trong 5 năm qua, VinFast đã thiết lập tốc độ sản xuất chóng mặt bằng công nghệ ô tô hiện đại của mình.
Năm 2017, Công ty đã thành lập một tổ hợp sản xuất ô tô kỹ thuật số trên đảo Cát Hải - Việt Nam. Đến năm 2019, hãng đã tung ra 3 ô tô và 3 xe máy điện. Năm 2021 chứng kiến sự ra mắt của 2 chiếc xe máy điện mới là Feliz và Theon, sản xuất thành công E-Bus đầu tiên của Việt Nam và 3 chiếc EV lần lượt là: VF e34, VF e35, và VF e36, hai trong số đó nhắm đến thị trường Hoa Kỳ.
VinFast đã công bố bán mẫu xe điện VF e34 vào tháng 3/2021 với giá 690 triệu đồng. Sau 3 tháng nhận đặt cọc, VinFast có 25.000 đơn đặt hàng trước từ người dùng, con số cao kỷ lục đối với một mẫu ô tô mở bán tại Việt Nam. Ngày 25/12/2021, tại nhà máy ở Hải Phòng, VinFast giao những chiếc xe điện thương mại VF e34 đầu tiên cho khách hàng trong nước. Sự kiện đánh dấu bước đi tiên phong của hãng Việt ở lĩnh vực xe điện phổ thông tại Việt Nam. VinFast đặt mục tiêu sản xuất 20.000 ô tô điện và khoảng 1.500 xe buýt đến năm 2022.
Sớm nhận thấy tiềm năng béo bở ở phân khúc này, tháng 10/2020, Porsche Việt Nam đã nhanh tay mang về nước mẫu xe thuần điện Taycan với 3 phiên bản, giá từ 5,72 đến 9,55 tỷ đồng. Audi Việt Nam cũng mang về mẫu xe Audi e-tron để thăm dò thị hiếu người tiêu dùng. Hay như Nissan Việt Nam cũng gia nhập thị trường “béo bở” này bằng việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp mẫu crossover Nissan Ariya với tham vọng cạnh tranh VinFast VF e34 và VF e35. Gần đây nhất, Thaco Trường Hải cũng rục rịch công bố về việc sẽ mở bán Kia EV6 - mẫu xe thuần điện (BEV) đầu tiên của thương hiệu Kia Hàn Quốc vào quý II/2022 tại thị trường Việt Nam.
Nhiều hãng xe lớn trên thế giới cũng đã mạnh dạn giới thiệu sản phẩm xanh tới người tiêu dùng trong nước, trong đó có Camry Hybrid, Mercedes-Benz EQS, KIA Sorento Hybrid, Volvo XC60 Recharged. Volkswagen, Mercedes đều xác nhận sẽ bán xe điện trong tương lai gần tại thị trường Việt Nam. Với Volkswagen là kế hoạch đưa xe điện về nước trong năm 2023, trong khi Mercedes giới thiệu EQS cho khách Việt trong sự kiện trực tuyến hồi tháng 11.
Thị trường ô tô điện Việt Nam ngày căng sôi động hơn khi chuẩn bị có sự xuất hiện của nhiều dòng xe ô tô điện mới. Điều này góp phần mang đến sự đa dạng cho người tiêu dùng nhưng đồng thời tạo ra sức ép cạnh tranh không hề nhỏ cho mẫu ô tô điện nội địa VinFast VF e34. Với các tiềm năng sẵn có, nền tảng công nghệ đi trước hàng thập kỷ cùng xu hướng phát triển trên thế giới, không có lý do gì mà các “ông lớn” không đầu tư xe điện tại Việt Nam. Đây thực sự là một mảnh đất màu mỡ và có giá trị đầu tư, tăng trưởng lớn. Nếu không tự làm chủ thị trường, “ngoại binh” sẽ gia nhập rất nhanh và dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành “vùng trũng” tiêu thụ ô tô điện cho các dòng xe nhập khẩu.
Chờ đợi chính sách phát triển ô tô điện
Hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách và ưu đãi rõ ràng đối với ngành công nghiệp xe ô tô điện. Hoạt động nhập khẩu xe điện hiện tại đang không bền vững do thuế nhập khẩu cao, xe điện nhập khẩu phải chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 15% đến 70%.
Để thúc đẩy phát triển thị trường xe ô tô điện Việt Nam, Nhà nước đã đưa ra những tín hiệu đáng mừng để khuyến khích sản xuất và kích cầu người tiêu dùng. Cụ thể, Chính phủ đã có kế hoạch trong việc ưu đãi thuế đối với các loại xe chạy bằng điện thân thiện với môi trường chạy bằng điện, hybrid, nhiên liệu sinh học và xe bằng khí nén tự nhiên (CNG). Bộ Tài chính gần đây cũng đã ban hành dự thảo Nghị định giảm một nửa lệ phí trước bạ cho xe điện. Theo quy định hiện hành, thuế đăng ký lần đầu đối với xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 10-15% giá trị của xe. Dự thảo đề xuất mức phí này giảm xuống còn 5 - 7,5%. Theo tờ trình mới đây từ Bộ Tư pháp gửi Quốc hội, cơ quan này đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích sử dụng ô tô điện, xe dùng năng lượng xanh nhằm bảo vệ môi trường.
Cơ hội để thu hút các dự án đầu tư sản xuất lắp ráp xe ô tô điện chạy pin của Việt Nam là rất tiềm năng nếu Quốc hội sớm ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hơn nữa cho ngành này phát triển. Nếu chính sách ban hành chậm một vài năm, các nước ASEAN khác đã hoàn thiện khung chính sách và hình thành chuỗi cung ứng vững chắc thì sẽ không có cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất xe ô tô điện chạy pin sử dụng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, với hiện trạng ngành công nghiệp ô tô trong nước đang phụ thuộc lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài, xu hướng phát triển xe ô tô điện chạy pin tại các nước có ngành công nghiệp ô tô và hoạt động nghiên cứu phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc thì với thị trường quy mô nhỏ như Việt Nam, việc chuyển đổi sang sản xuất lắp ráp xe ô tô chạy pin sẽ là một thách thức không nhỏ. Vì vậy để đẩy nhanh việc chuyển đổi sang xe ô tô điện chạy pin cần phải được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách ưu đãi thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt và các chính sách hỗ trợ khác.
Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp trong nước cần đi tắt, đón đầu, tìm kiếm cơ hội chuyển mình để khai thác tối đa tiềm năng bứt phá của thị trường xe ô tô điện Việt Nam. Không chỉ mang đến những đóng góp tích cực cho cuộc sống, việc sử dụng hàng hóa trong nước còn thể hiện niềm tự hào dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc nội.
Trong khi chờ đợi chính sách phát triển ô tô điện, các doanh nghiệp tư nhân đã tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này. Ví dụ như năm 2018, Mitsubishi Motors đã ký một biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương về việc nghiên cứu và phát triển ô tô điện. Hay vào năm 2019, VinFast thành lập liên doanh với LG để sản xuất pin lithium-ion dành cho ô tô điện và xe máy điện. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính sách phát triển ô tô điện để các nhà sản xuất có thể tăng cường đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp tương lai này. Song song với việc phát triển công nghệ xe điện, nếu các nhà sản xuất xây dựng một hệ sinh thái tốt nhằm kết nối chặt chẽ như bảo hành, hậu mãi, trạm sạc, dịch vụ bảo hiểm thì sẽ càng thu hút được khách hàng trên thị trường ô tô điện.
Khôi Nguyên