Thích nghi để sống chung với "sương" mịn

11:48, 08/03/2024

Theo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, 40% dân số Hà Nội (khoảng 3,5 triệu người) chịu ảnh hưởng từ nồng độ bụi mịn vượt quá 45μg/khối, gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO. Bụi mịn có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch và các bệnh khác. Trước tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, người dân đã thay đổi lối sống như thế nào để thích nghi với "sương" mịn?

bui-min2-1709779700.jpg“Sương” mịn ở Hồ Tây lúc 10h sáng.

Trước khi ra khỏi nhà, chị Huyền (38 tuổi, cư dân Hà Nội) luôn đeo hai chiếc khẩu trang và kính để bảo vệ khỏi bụi bẩn. Nói về trải nghiệm của mình, chị chia sẻ: Buổi sáng đi chợ, có nhiều ngày bụi mịn dày đặc đến mức không nhìn thấy đường. Việc chuẩn bị khẩu trang và kính trở nên cần thiết mỗi khi ra đường trong thời tiết không khí ô nhiễm như hiện nay. Nhà chị nằm gần đường lớn, nên lượng khói bụi từ các phương tiện giao thông rất lớn. Mặc dù đóng cửa kín nhưng vẫn không tránh khỏi bụi bẩn. Để cải thiện chất lượng không khí trong nhà và bảo vệ sức khỏe gia đình, chị thường xuyên lau dọn nhà cửa và sử dụng máy lọc không khí cùng robot hút bụi.

Sống ở một thành phố nhiều "sương", nhiều người dân đã thay đổi lối sống, tạo ra không gian xanh và lối sống xanh. Anh Sơn (25 tuổi, cư dân Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đang thực hiện kế hoạch sống xanh, giảm rác thải nhựa và trồng cây để cải thiện chất lượng không khí. Với số lượng cây xanh ít ỏi trong thành phố và lượng nước trong các hồ không đủ, việc trồng cây giúp làm sạch không khí trở nên quan trọng hơn. Tôi cũng sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, xe điện SM và xe đạp để giảm lượng phương tiện giao thông".

suong-min-ho-tay-1709779849.jpgSử Dụng xe đạp công cộng để hạn chế lưu lượng phương tiện giao thông.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng không khí mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe. Ngoài các chính sách của chính phủ nhằm giảm ô nhiễm môi trường, nhiều người dân đã tự tìm giải pháp để giảm thiểu tác động của bụi mịn. Ví dụ, bạn Nhi (sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) chia sẻ: "Mỗi ngày trước khi ra khỏi nhà, tôi sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, mũi và họng sau khi ra ngoài. Vì mắc bệnh xoang, môi trường không khí ô nhiễm khiến tình trạng của tôi trở nên nặng hơn".

Bụi mịn và các tác động của nó đang là vấn đề quan trọng trong xã hội. Các cơ quan nhà nước đã có những biện pháp cụ thể như kiểm soát nguồn thải từ phương tiện giao thông, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, bảo vệ mặt nước và cây xanh, loại bỏ việc sử dụng than tổ ong...

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là từ bản thân mỗi người. Để bảo vệ sức khỏe cá nhân và gia đình, mỗi người cần thay đổi lối sống và thích nghi với môi trường đô thị hiện đại.

 

Theo Tạp chí điện tử văn hóa và phát triển

https://vanhoavaphattrien.vn/thich-nghi-de-song-chung-voi-suong-min-a23612.html