Thực hiện nghiệm việc đánh giá tác động TTHC theo các quy định của Luật ban hành QPPL
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các tổ chức pháp chế trực thuộc, các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động TTHC theo các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn.
Ngày 11/7/2024, qua việc xem xét báo cáo của Bộ Tư pháp về việc đánh giá tác động thủ tục hành chính (TTHC) trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) 06 tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã có ý kiến, chỉ đạo Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các tổ chức pháp chế trực thuộc, các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan:
Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động TTHC theo các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn, Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 về kiểm soát TTHC (được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2017), Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/02/2022 của Bộ Tư pháp. Chú trọng việc đánh giá tác động TTHC trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL, nhất là những văn bản thực thi phương án cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, TTHC, giấy tờ công dân đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các văn bản triển khai Luật Giao dịch điện tử (năm 2023) và triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 (Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), bảo đảm tuân thủ Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Thường xuyên rà soát, nắm bắt các vấn đề bất cập trong quá trình thực thi các văn bản QPPL, TTHC thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, nhất là giữa cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng văn bản QPPL với cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC, cơ quan, đơn vị góp ý, thẩm định trong quá trình góp ý, thẩm định hồ sơ đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL.
Thực hiện nghiêm việc thẩm định văn bản QPPL, chỉ thẩm định dự thảo văn bản QPPL có quy định TTHC khi có Báo cáo đánh giá tác động TTHC theo quy định, bảo đảm việc quy định TTHC đúng thẩm quyền, cần thiết, hợp lý, hợp pháp, hiệu quả.
Bảo đảm biên chế, kinh phí cho công tác xây dựng, chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.
Thực hiện chế độ báo cáo về kết quả công tác đánh giá tác động TTHC trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL gửi Bộ Tư pháp theo quy định.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, về kết quả thực hiện cải cách TTHC Chính phủ cũng quyết nghị cần kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa TTHC ngay trong quá trình xây dựng văn bản QPPL; không ban hành các TTHC không cần thiết, không hợp lý, làm phát sinh thời gian, chi phí đối với người dân và doanh nghiệp.
Theo https://mic.gov.vn