Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số Việt Nam

15:18, 14/11/2021

Trong lúc du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, thương mại điện tử bứt lên để trở thành động lực cho nền kinh tế số tại Việt Nam trong năm nay.

Hôm qua 12/10, VNG tuyên bố đầu tư 22,5 triệu USD (khoảng 510 tỷ đồng) vào Telio, công ty thương mại điện tử B2B tại thị trường Việt Nam. Đây là một khoản đầu tư lớn đối với một nhà đầu tư nội địa rót vào công ty khởi nghiệp trong nước. Trước đó vào năm 2016, VNG cũng đã rót vốn vào Tiki.

Cách đây vài ngày, chính Tiki cũng tuyên bố nhận được 248 triệu USD - khoản đầu tư lớn nhất nhì tại Việt Nam từ trước đến nay - từ các nhà đầu tư do AIA dẫn đầu.

Các khoản đầu tư nói trên cho thấy tiềm năng mạnh mẽ của thương mại điện tử Việt Nam trong nền kinh tế số nói chung.

Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số Việt Nam

Đội xe bên trong kho hàng của một đơn vị giao nhận thương mại điện tử. (Ảnh: Hải Đăng)

Ông Jikwang Chung, Tổng giám đốc Mirae Asset Capital - một trong các nhà đầu tư vào Tiki, khẳng định lĩnh vực tiêu dùng tại Việt Nam đăng tăng trưởng vượt trội với những bứt phát về công nghệ. Trong đó thương mại điện tử đang tăng trưởng mạnh.

Điều này khá dễ thấy khi trong lễ hội mua sắm ngày 11.11 mới đây tại Việt Nam ghi nhận nhiều kỷ lục trên các sàn thương mại điện tử trong nước.

Phía Tiki khẳng định lễ hội thiết lập kỷ lục tăng trưởng chưa từng có, trở thành chương trình thành công nhất của họ từ trước đến nay. Doanh số bán hàng ngày Độc thân (11.11) năm 2021 của Tiki tăng 9 lần, lượng khách hàng mua sắm tăng gấp 2 lần so với ngày thường. 

Trong khi đó, doanh thu và số đơn đặt hàng trên toàn sàn Lazada tăng gần gấp 2 lần; số lượng thương hiệu, nhà bán hàng tham gia cũng tăng gấp 1,5 lần so với Lễ hội mua sắm 11.11 năm ngoái.

Ông Steven Tuấn Nguyễn, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á của Criteo nhận định, đại dịch Covid-19 khiến mọi người phải mua hàng hoá online nhiều hơn, thúc đẩy thương mại điện tử tại Việt Nam lẫn khu vực Đông Nam Á tăng trưởng đều đặn mỗi năm. Trong bối cảnh dịch bệnh, người dân vẫn phải mua các loại hàng hoá cần thiết nhưng do dịch bệnh nên không thể mua sắm trực tiếp, do đó họ phải mua sắm online.

Điều này phù hợp với báo cáo Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain & Company công bố mới đây. Báo cáo chỉ rõ số lượng người mới dùng Internet tại Việt Nam đang tăng lên, đồng thời nhận định thương mại điện tử đang là động lực của kinh tế số tại đây.

Cụ thể, năm 2021, nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến ​tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD và có khả năng tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Nếu tăng trưởng đều, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến ​​đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia.

Không chỉ tại Việt Nam, thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Internet Đông Nam Á tiến lên trong thập kỷ tới. Cuối năm 2021, tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử có thể vượt 120 tỷ USD (tăng gần gấp đôi so với năm 2020), với tiềm năng đạt 234 tỷ USD vào năm 2025.

Theo báo cáo, từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với hơn một nửa trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.

99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai; cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm thuật số của người dùng Việt Nam.

Cứ 3 người kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam thì có 1 người tin rằng họ sẽ không thể sống sót sau đại dịch nếu không có những nền tảng kỹ thuật số. Tại Việt Nam, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số cũng đang trở thành yếu tố thúc đẩy quan trọng với 95% doanh nghiệp kỹ thuật số hiện chấp nhận thanh toán kỹ thuật số và 67% chấp nhận cho vay kỹ thuật số.

Hơn nữa, 7 trong 10 doanh nghiệp kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng cường sử dụng các công cụ tiếp thị kỹ thuật số của họ trong 5 năm tới.

“Dự báo về nền kinh tế Internet của Việt Nam đến năm 2030 cho chúng ta thấy tiềm năng to lớn của đất nước khi Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số”, bà Trâm Nguyễn, Giám đốc Google phụ trách thị trường  Lào, Campuchia và Việt Nam, cho biết.

Theo/ictnews.vietnamnet.vn