Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội
Với vị trí chiến lược, tiềm năng phát triển vượt trội, sự hỗ trợ từ chính quyền Thành phố và sự quan tâm mạnh mẽ từ các doanh nghiệp FDI đã và đang tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội cũng phải đối mặt nhiều thách thức không nhỏ.
Là nơi hội tụ nhiều trường đại học nhất cả nước, với đội ngũ giáo sư và chuyên gia hàng đầu về khoa học và công nghệ, số người có bằng cấp cao từ đại học trở lên tập trung ở Hà Nội chiếm tối thiểu 65% của cả nước. Số lượng doanh nghiệp tại Hà Nội đang đang ngày càng gia tăng.
Cùng với nhiều điều kiện thuận lợi khác, Hà Nội được nhận định có nhiều thế mạnh để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành bán dẫn. Tuy nhiên, những điều kiện thuận lợi cũng đặt Hà Nội vào tình thế thách thức nếu không khai thác hết những điểm mạnh của mình.
Tại buổi tọa đàm ''Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội'' do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn 2024” mới đây, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Trần Quang cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư. Đặc biệt, Hà Nội với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
“Luật Thủ đô năm 2024 xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội”, ông Nguyễn Trần Quang thông tin.
Tại phiên tọa đàm, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, cũng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Thành phố, như tiếp cận tư duy và hành động đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền Thủ đô với các bộ, ngành trung ương, viện khoa học và trường đại học.
Thứ nhất, Hà Nội cần chủ động xây dựng danh mục các dự án và chính sách đầu tư, không chỉ tập trung vào công nghiệp bán dẫn mà còn khuyến khích các công nghệ tương lai như AI, Blockchain, Fintech, dịch vụ hiện đại, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Những lĩnh vực này liên quan chặt chẽ với công nghiệp bán dẫn.
Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố công khai về các dự án đã thỏa thuận đàm phán, một số dự án đã ký kết, và một số khác đang trong giai đoạn thăm dò.
Thứ ba, theo GS. TSKH Nguyễn Mại, các hoạt động xúc tiến đầu tư cần cải tiến hơn nữa. Hiện tại, xúc tiến đầu tư chủ yếu dựa vào các cuộc hội nghị đông người để quảng bá chính sách, luật pháp ưu đãi và cơ hội đầu tư, điều này có hiệu quả nhưng thường chỉ thu hút các chuyên gia cấp dưới và ít có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao, các CEO của tập đoàn, doanh nghiệp.
Cuối cùng, GS. TSKH Nguyễn Mại đề cập đến vấn đề khắc phục các điểm nghẽn. Theo đó, ngoài vấn đề năng lượng, còn có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đô thị. Không chỉ có giao thông, quan trọng là cần tập trung vào việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo quá trình này theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.
Điều này sẽ giúp thực hiện đầy đủ các định hướng của Đại hội Đảng lần thứ 13, cũng như các mục tiêu của thành phố Hà Nội, trở thành một Thành phố hòa bình, xanh, sạch và đẹp.
Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang coi Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung là điểm đến đầu tư, gia tăng sản xuất. Điển hình, Apple hoàn tất chuyển 11 nhà máy vào Việt Nam, hãng công nghệ Intel cũng mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định vi mạch ở TP.HCM với vốn đầu tư 4 tỷ USD tới năm 2025. Đồng thời, Boeing, Google và Walmart đã công bố kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và cơ sở sản xuất tại Việt Nam sau khi nghiên cứu thị trường…
Ngoài ra, Việt Nam có dự trữ đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, bằng một nửa Trung Quốc. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc làm chủ nguồn nguyên liệu để sản xuất chất bán dẫn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế trong thu hút FDI vào năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, công nghệ tương lai.
Như vậy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để gia tăng tốc độ phát triển và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển 2021-2030. Để đạt được điều này, cần tăng cường vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo