Tiện lợi nhờ chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh
Góp phần thực hiện thành công chính phủ số trên địa bàn Thủ đô, Hà Nội đang đẩy mạnh việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử trên cơ sở tích hợp, xác thực những thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhờ đó, chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhiều người dân không phải mang các loại thẻ, giấy tờ như trước nên rất tiện lợi.
Đưa công nghệ vào phục vụ đời sống
Là một trong những bệnh viện triển khai sớm nhất việc xác thực thông tin trên căn cước công dân gắn chíp khi thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã phục vụ được nhiều lượt bệnh nhân sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy. Anh Đào Nguyên Phương (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) cho biết: "Thẻ căn cước công dân của tôi đã tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, nên khi đi khám bệnh các nhân viên y tế chỉ cần quét mã QR trên căn cước công dân để lấy thông tin bảo hiểm y tế, nhờ đó thủ tục đăng ký khám chữa bệnh diễn ra thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức...".
Thực hiện công văn hướng dẫn triển khai thí điểm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp của Bộ Y tế, từ ngày 10-6-2022, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp tại khu khám bảo hiểm y tế. Chị Trần Tuyết Nhung (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) khi đi khám tại đây đã nhận xét: "Nhờ tích hợp thông tin bảo hiểm y tế vào căn cước công dân của tôi nên thủ tục hành chính để thực hiện thăm khám diễn ra thuận lợi, nhanh chóng hơn hẳn so với trước".
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trên địa bàn Hà Nội, nhiều cơ sở khám chữa bệnh khác đã sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động tiếp đón, phục vụ người bệnh như: Phòng khám Đa khoa Thu Cúc, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Việt Nam - Cuba... Tuy nhiên, do đang ở giai đoạn thí điểm nên vẫn còn nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa triển khai tiếp đón, tra cứu thông tin trên căn cước công dân gắn chíp do cơ sở hạ tầng trang thiết bị chưa đủ, chưa kết nối hệ thống đồng bộ hóa dữ liệu...
Thống kê của liên ngành Sở Y tế - Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho thấy, sau gần 5 tháng triển khai, đã có 470/725 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc các bệnh viện, phòng khám đa khoa, trung tâm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp (chiếm 62,3% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế) với tổng số 40.776 lượt tra cứu. Tuy nhiên, tỷ lệ tra cứu thành công mới đạt 62,4%.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội Hà Nội) Dương Thị Minh Châu cho biết, liên ngành Bảo hiểm xã hội thành phố - Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo cho người dân biết và triển khai đón tiếp người bệnh đi khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID. Đây được xem là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh việc thực hiện thay thế thẻ bảo hiểm y tế trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu bảo hiểm y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp cho ngành Bảo hiểm xã hội triển khai các hoạt động nghiệp vụ được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác, nâng cao chất lượng cải cách hành chính.
Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lưu ý, do việc xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang hoàn thiện, nên người dân khi đi khám, chữa bệnh lần đầu nên mang theo thẻ bảo hiểm y tế giấy kèm giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID). Khi đối chiếu thông tin hợp lệ, cơ sở khám chữa bệnh thông báo cho người bệnh biết để những lần khám chữa bệnh sau sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho hay, trường hợp chưa tích hợp dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế lên căn cước công dân gắn chíp, người bệnh vẫn thực hiện quy trình khám chữa bệnh hiện hành. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị các đơn vị liên quan hỗ trợ kịp thời cho cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế trong quá trình sử dụng căn cước công dân gắn chíp khi đi khám chữa bệnh, bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng hết những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại.
Theo Báo Hànộimới