Nhiều thuận lợi trong hợp tác công tư lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số

08:40, 04/07/2025

Cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ được điều chỉnh theo hướng mở, linh hoạt và ưu đãi hơn đáng kể so với trước.

Tại buổi Họp báo Bộ Tài chính quý 2, ông Phạm Thy Hùng - Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP và Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua có điểm đáng chú ý nhất là tỷ lệ vốn nhà nước có thể lên tới 70% trong các dự án PPP thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bù lỗ doanh thu trong ba năm đầu vận hành và đơn giản hóa đáng kể thủ tục đầu tư.

Cùng với Nghị định về PPP trong lĩnh vực khoa học công nghệ có hiệu lực từ ngày 1/7, các Luật và nghị định mới không chỉ tăng tỷ lệ góp vốn nhà nước, mà còn gỡ bỏ hàng loạt rào cản với nhà đầu tư tư nhân.

Cụ thể, doanh nghiệp thực hiện dự án PPP không bắt buộc phải lập pháp nhân riêng, được phép kinh doanh ngành nghề ngoài hợp đồng dự án, và có thể được chỉ định nếu sở hữu công nghệ nằm trong danh mục ưu tiên quốc gia.

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặt hàng, giao thầu, hay sử dụng tài sản công, kể cả dữ liệu và bản quyền công nghệ, đều được cho phép trong mô hình PPP mới. Điều này sẽ tạo điều kiện để xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, phòng thí nghiệm dùng chung và các nền tảng số quốc gia.

Các thủ tục đầu tư cũng được rút gọn tối đa, quyền phê duyệt chủ trương đầu tư được phân cấp từ Thủ tướng xuống Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Đối với dự án nhỏ và vừa, thủ tục thẩm định được tinh giản, đồng thời linh hoạt hơn trong điều kiện lựa chọn nhà đầu tư.

Bên cạnh cơ chế linh hoạt, một nội dung quan trọng nữa vừa được ban hành, là quy định cụ thể vai trò của từng bên trong chuỗi hợp tác công - tư - viện - trường. Phía Nhà nước chịu trách nhiệm xác định mục tiêu chiến lược, công bố các “bài toán lớn” để cộng đồng khoa học giải quyết, và đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu như phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu. Đồng thời, hỗ trợ vốn ngân sách theo các tiêu chí rõ ràng.

Viện nghiên cứu, trường đại học có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, phát triển công nghệ, cung cấp tri thức và chuyên gia, đồng thời giải quyết các yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp và địa phương. Trong khi đó, khu vực tư nhân đóng vai trò là nhà đầu tư, tổ chức thực hiện sản xuất, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và vận hành hạ tầng.

Trước đây, việc hợp tác ba bên còn mờ nhạt về trách nhiệm, khiến nhiều dự án đình trệ. Nghị định lần này quy định rõ ràng vai trò của từng đối tác, giảm xung đột và tăng hiệu quả thực thi.