TikTok triển khai hoạt động loại bỏ 'miệt thị ngoại hình' trên mạng
Miệt thị ngoại hình (Body shaming) không còn là một vấn đề mang tính cá nhân. Bằng những nội dung sáng tạo từ những video ngắn, cộng đồng mạng đang muốn xóa bỏ điều này.
Bên cạnh những hiệu ứng lan tỏa tích cực, sự bùng nổ của các nền tảng trực tuyến cũng mang đến những mối nguy cơ tiềm ẩn, mà một trong số đó là vấn nạn “Body shaming” tập thể. Thông qua chế độ ẩn danh, nhiều người dùng “vô tư" đem khuyết điểm của người khác ra chê bai mà không quan tâm nạn nhân sẽ chịu đả kích như thế nào. Định kiến ngoại hình hay sâu xa hơn là bắt nạt trên mạng đang trở thành mối nguy tiềm ẩn cho bất kỳ ai.
Body shaming có thể “giết chết” một ai đó cả ở thể chất hay tâm hồn
Theo một kết quả khảo sát về Body shaming được công bố trên FitRated vào năm 2018, trong hơn 1.000 người tham gia, có khoảng 32% người bị “Body shaming” thừa nhận họ từng miệt thị cơ thể người khác. “Kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác", chúng ta đang dần biến nền tảng trực tuyến, từ một nơi phục vụ nhu cầu giải trí, kết nối trở thành “đại hội" của hàng loạt những từ ngữ tiêu cực, mang tính công kích cá nhân.
Cảm nhận tích cực về hình thể (body positivity) đang được nhắc đến như một giải pháp giúp loại bỏ những nhận xét tiêu cực về vấn đề ngoại hình. “Cái đẹp” được định nghĩa lại, “đẹp" là khi chúng ta thực sự được sống, được yêu thương và tự tin với chính mình. Thông điệp ý nghĩa này đang được cộng đồng tích cực lan tỏa thông qua những thử thách ý nghĩa trên các nền tảng sáng tạo video dạng ngắn chia sẻ trên TikTok.
Những nội dung về “body positivity” đang được cộng đồng lan tỏa theo cách thức vô cùng sáng tạo
Từ sự hưởng ứng cộng đồng và nhận thức về “Body shaming”, các nền tảng video dạng ngắn như TikTok đã triển khai các hoạt động cụ thể để bảo vệ môi trường trải nghiệm lành mạnh và tích cực cho người dùng.
Cụ thể, TikTok trao quyền cho người dùng kiểm soát ứng dụng một cách tối đa như: báo cáo những nội dung thúc đẩy hành động và hình ảnh không lành mạnh; dùng bộ lọc bình luận để loại bỏ những ý kiến nhạy cảm và tiêu cực, hoặc chứa những từ khóa trong danh sách chặn; chặn hoặc nhấn Không quan tâm để hạn chế việc xuất hiện những nội dung về kỳ thị hình thể cũng như những nội dung xấu khác.
Trong nỗ lực ngăn chặn những thông điệp tiêu cực về chế độ ăn, TikTok đã và đang là đối tác tích cực của Hiệp hội Rối loạn ăn uống quốc gia Mỹ (NEDA) khi hỗ trợ sự kiện #EndWeightHateCampaign nhằm giáo dục về việc kỳ thị cân nặng. Một chiến dịch giúp người dùng tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc giúp đỡ khi mắc phải tình trạng khó khăn về hình thể.
Châu Anh (T/h)