Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Chủ tịch Thượng viện và Phó Chủ tịch Hạ viện Ireland
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ireland, sáng 3/10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Dublin, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp Chủ tịch Thượng viện Ireland Jerry Buttimer và Phó Chủ tịch Hạ viện Catherine Connolly.
Chủ tịch Thượng viện Jerry Buttimer nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Ireland - Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch Thượng viện Jerry Buttimer nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Ireland, khẳng định chuyến thăm là sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Ireland, góp phần gắn kết hơn nữa quan hệ song phương kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1996, bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Chủ tịch Thượng viện Jerry Buttimer hoan nghênh việc Việt Nam quyết định mở Đại sứ quán ở Ireland, đồng thời cho rằng cả Việt Nam và Ireland là những quốc gia đã trải qua nhiều thử thách trong quá khứ và ngày nay đang là những nước có tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng thăm cấp Nhà nước tới Ireland vào thời điểm quan hệ hai nước đang phát triển tích cực; thông báo những kết quả quan trọng đã đạt được trong hội đàm với Tổng thống Ireland Michael Higgins và Thủ tướng Simon Harris; nhấn mạnh Việt Nam rất coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Ireland cũng như mong muốn thúc đẩy hợp tác nghị viện song phương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoan nghênh và đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Ireland và Quốc hội Ireland thành lập Nhóm Nghị sĩ quốc hội Ireland-Việt Nam, nhấn mạnh các nhóm Nghị sĩ hữu nghị này sẽ là cầu nối quan trọng góp phần tăng cường quan hệ giữa hai Quốc hội nói riêng và hai nước nói chung.
Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ song phương thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp; tổ chức hoạt động trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, đối thoại chính sách và hội thảo lý luận - Ảnh: TTXVN.
Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ song phương thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp, trong đó có ủy ban/ nhóm nghị sỹ Quốc hội hai nước; tổ chức hoạt động trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, đối thoại chính sách và hội thảo lý luận.
Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP), thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), bình đẳng giới, ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu; mở rộng giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, du lịch và phát triển bền vững.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội Ireland sớm thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA), nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đầu tư song phương và thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đối với thủy sản Việt Nam.
Lãnh đạo Quốc hội Ireland đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế-xã hội Ireland và khẳng định sẽ hỗ trợ để cộng đồng người Việt Nam tiếp tục hội nhập thành công, góp phần tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Thượng viện Ireland Jerry Buttimer chụp ảnh chung cùng các nghị sĩ - Ảnh: TTXVN.
Các nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về việc Việt Nam chuẩn bị mở Đại sứ quán tại Dublin, góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước nói chung và Quốc hội hai nước nói riêng.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí cần tăng cường phối hợp trong ứng phó với biến đổi khí hậu đặc biệt đối với quốc gia có biển như Việt Nam và Ireland. Liên quan đến Biển Đông, hai bên bày tỏ ủng hộ lập trường của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về bảo đảm hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.