Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất trong khuôn khổ chương trình Lễ Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Bế mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.
- Đại học Thái Nguyên đón nhận Huân chương lao động hạng hạng Ba
- Lần đầu tiên Việt Nam có quy định về chuẩn chương trình đào tạo đại học
- Viện trưởng Viện CNTT Trường Đại học Bách Khoa nhận huân chương của Tổng thống Italy
- Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì
- Trao Huân chương lao động cho học sinh đạt giải trong các cuộc thi Olympic quốc tế
Ngày 18/11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và bế giảng Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021. Tới dự, có đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ tại buổi lễ.
Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, ngày 20/11 hằng năm, từ lâu đã trở thành ngày lễ “tôn sư trọng đạo”, là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người thầy giáo, cô giáo, để mọi ngành, nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Năm học vừa qua diễn ra dưới tác động kép của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực đào tạo nghề và việc làm; nhiều tỉnh, thành phố giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động dạy và học của hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước.
Tuy nhiên, trong khó khăn lại càng thử thách quyết tâm, bản lĩnh và sáng tạo của đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Với quyết tâm và ý chí “Dừng đến trường nhưng không dừng việc dạy và học”, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong cả nước đã chủ động, linh hoạt thích ứng, nhanh chóng chuyển đổi trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến. Ứng dụng công nghệ thông tin với tinh thần mạnh mẽ nhất để bảo đảm việc dạy và học của thầy và trò không bị gián đoạn. Ngay trong tâm dịch, khi nhiều trường phải đóng cửa, thì các sinh viên hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn lên lớp, vào xưởng thực hành, thực tập tại doanh nghiệp với phương châm “3 tại chỗ”.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) bởi thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2015-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Cũng nhân dịp này, ban tổ chức đã vinh danh 161 cá nhân, tập thể đạt thành tích cao tại Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng bày tỏ mong muốn, với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, cần tiếp tục khẳng định và bám sát yêu cầu phát triển mô hình theo hướng mở, linh hoạt, trọng tâm là hiện đại hoá để đào tạo nhân lực chất lượng cao, phổ cập nghề cho thanh niên; chú trọng đào tạo lại, đào tạo cho các đối tượng nhóm yếu thế gắn với việc làm, nhu cầu của thị trường lao động, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Tập trung thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá; gắn giáo dục nghề nghiệp với học suốt đời và cho tất cả mọi người.
Làm tốt công tác dự báo cung-cầu về thị trường lao động để đào tạo theo nhu cầu. Đẩy mạnh gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, cải thiện chất lượng đào tạo, việc làm sau đào tạo, gắn đào tạo với sản xuất, kinh doanh,...
Đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, theo ông Dũng, cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào dạy và học theo hướng tích cực, hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi từ hình thức dạy học truyền thống sang qua nền tảng công nghệ số. Áp dụng hình thức dạy học từ xa, trực tuyến theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học đáp ứng xu thế công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nghề nghiệp;…
Hoàng Hằng (T/h)