TP. Hồ Chí Minh phấn đấu 100% các trường thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong lộ trình xây dựng trường học thông minh, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Từ năm học mới 2020-2021, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai thu học phí không tiền mặt ở 70% trường học trên toàn thành phố, đến năm học 2021-2022 đạt 100% trường học trên địa bàn.
TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy thanh toán học phí qua thẻ.
Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học trên địa bàn thành phố (TP) được triển khai xây dựng, thực hiện từ tháng 8/2014 theo văn bản số 3835 /UBND-TM của UBND TP. Hồ Chí Minh. Đề án với sự chủ trì của Sở Giáo dục và Đào tạo TP, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ là Công ty Cổ phần văn hóa Ngôi Nhà Xanh (Green House). Ba đơn vị này cùng nhau phối hợp triển khai Đề án thanh toán học phí qua thẻ SSC.
Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học, tiếp tục được xây dựng dựa theo Nghị quyết 02/CP (ngày 1/1/2020) về cho phép thanh toán dịch vụ công ưu tiên trên thiết bị di động. Qua đó, hỗ trợ các trường, Sở Giáo dục trong việc quản lý, giám sát tài chính, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ trên địa bàn TP.
Sau 6 năm thực hiện đề án, đến nay đã có 9 quận, huyện ban hành kế hoạch thực hiện và sẵn sàng triển khai phần mềm quản lý nguồn thu tích hợp thanh toán không dùng tiền mặt gồm: Bình Tân, Tân Bình, quận 6, 7, 9, 10, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 1,7 triệu học sinh các cấp, số tiền học phí và các khoản thu khác tại trường học mỗi tháng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên với điều kiện nhân sự ít, thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Bộ Nội vụ (4 vị trí nhân viên trường học gồm thủ quỹ, kế toán, nhân viên y tế, nhân viên văn thư chỉ còn 2 biên chế). Trường học ngày càng đông học sinh, nhiều trường lên đến 3.000 - 4.000 học sinh nhưng vẫn thu tiền theo cách thủ công gây khó khăn cho công tác quản lý, đồng thời mất thời gian chờ đợi của phụ huynh.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh) Dương Trí Dũng thông tin, từ năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các đối tác triển khai rộng rãi thẻ thanh toán "Học đường thông minh" và "Hệ thống phần mềm quản lý nguồn thu trực tuyến - SSC", chuyên quản lý học phí và các khoản thu khác tại nhà trường.
Qua quá trình triển khai, kết quả thực tế tại 121 trường (chiếm 63% tổng số trường học tại thành phố Hồ Chí Minh) đã cho kết quả tích cực. Tính đến tháng 1-2021, doanh số thu tại các trường từ chuyển khoản qua ngân hàng hoặc trung gian thanh toán đạt khoảng 2.200 tỷ đồng, chiếm 58% so với tổng dự toán thu dự kiến là hơn 3.800 tỷ đồng.
Đánh giá về mô hình thanh toán không dùng tiền mặt trong các nhà trường, Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh Trần Mai Phương cho biết thêm, "Hệ thống phần mềm quản lý nguồn thu trực tuyến - SSC" còn giúp các cơ quan quản lý có công cụ để kiểm tra, giám sát (trực tuyến) hằng ngày việc thực hiện các khoản thu theo quy định của ngành, chi tiết tới từng trường, từng khoản thu học phí, thu thỏa thuận và thu chi hộ nếu có phát sinh, từ đó hạn chế tiêu cực.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, với mục tiêu phấn đấu 100% trường học trên địa bàn thành phố triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ngay trong năm học 2020-2021, trước mắt Sở đã đề nghị các trường triển khai thu hộ học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt, đa dạng hình thức như đã áp dụng với thu tiền điện, nước, dịch vụ truyền hình… Các ngân hàng tham gia việc thanh toán trực tuyến sẽ chi trả tiền cho các trường học trong vòng 1 tuần kể từ khi nhận được các khoản nộp của phụ huynh học sinh.
Minh Phương (T/h)