TPHCM: Tăng tốc số hóa dữ liệu từ cơ sở

15:28, 17/07/2024

Dữ liệu là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Các địa phương, đơn vị của TPHCM đang nỗ lực số hóa dữ liệu từ cơ sở, để góp phần vào mục tiêu chung của thành phố trong thực hiện chuyển đổi số.

Bà Nguyễn Thị Bích Trâm, công chức Hộ tịch UBND phường 4, quận 5 (bìa trái) hướng dẫn đoàn viên, thanh niên phường số hóa hồ sơ giải quyết TTHC.

Vượt tiến độ

Từ đầu năm đến nay, khi được giao nhiệm vụ số hóa các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của phường, bà Nguyễn Thị Bích Trâm, công chức Hộ tịch UBND phường 4, quận 5, gần như không có giờ nghỉ trưa, cũng hiếm khi có ngày nghỉ cuối tuần. “Ngay từ khi bắt tay vào làm, chúng tôi đã đặt mục tiêu làm nhanh, vượt tiến độ để chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khác”, bà Trâm chia sẻ. Để đảm bảo tiến độ, ngoài việc tranh thủ số hóa hồ sơ vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, bà Trâm cũng đề xuất UBND phường điều động đoàn viên, thanh niên hỗ trợ. Nhờ nỗ lực trong công việc mà hồ sơ giải quyết TTHC của phường đã được số hóa, hoàn thành chỉ tiêu trước thời hạn hơn 5 tháng.

Song song với số hóa hồ sơ giải quyết TTHC, UBND quận 7 chỉ đạo UBND các phường số hóa các thông tin dân cư. Tại UBND phường Tân Thuận Đông, các dữ liệu nền đã được tích hợp trên trang web https://tanthuandongq7.com. Trong đó, tích hợp dữ liệu thửa đất theo bản đồ số 2003 lên nền bản đồ Google Map. Đồng thời sử dụng ứng dụng WebGIS để xây dựng lớp dữ liệu thông tin về khu phố mới; đồng bộ toàn bộ dữ liệu thông tin về thửa đất: số tờ, số thửa, diện tích, loại đất, chủ sử dụng; gắn toàn bộ hồ sơ pháp lý về giấy phép xây dựng, thông báo sửa chữa lên vị trí nhà đất trên bản đồ. Phường cũng xây dựng lớp thông tin dữ liệu về các khu đất do nhà nước quản lý, khu vực đất đang tranh chấp…

Chủ tịch UBND phường Tân Thuận Đông Nguyễn Minh Thiện cho biết, việc số hóa các dữ liệu trên đã phục vụ lãnh đạo địa phương rất tốt trong công tác quản lý các khu phố mới thành lập, quản lý các công trình xây dựng, quản lý đất đai và theo dõi, chỉ đạo, điều hành thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Chủ tịch UBND phường 4, quận 5 Diệc Tuyết Mai cho biết, tính đến hết tháng 5-2024, UBND phường đã thực hiện số hóa hồ sơ giải quyết TTHC trong quý 2, 3, 4-2023 và quý 1-2024 hoàn thành 100%; hoàn thành số hóa 50% hồ sơ giải quyết TTHC trong quý 1-2023. Hiện UBND phường 4 đang đẩy nhanh số hóa hồ sơ quý 1-2023 và kiến nghị UBND quận có hướng dẫn để tiếp tục thực hiện số hóa hồ sơ năm 2022.

Cải thiện tỷ lệ tái sử dụng dữ liệu

Theo Sở TT-TT TPHCM, từ khi Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TPHCM chính thức đi vào hoạt động, cán bộ, công chức thành phố thực hiện tiếp nhận số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC của người dân. Kết quả giải quyết TTHC được chuyển vào kho dữ liệu của người dân và được sử dụng lại cho các lần sử dụng dịch vụ công trực tuyến tiếp theo.

Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND TP Thủ Đức đã số hóa hồ sơ giải quyết TTHC đạt gần 82% (hồ sơ năm 2024). Để tăng tốc số hóa hồ sơ, UBND TP Thủ Đức đã đầu tư thiết bị, hiện thí điểm tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính đối với hồ sơ đất đai, môi trường, hộ tịch; triển khai đến UBND 34 phường.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận 7 Lê Văn Thành thông tin, quận đã tiến hành số hóa đạt 62% đối với hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC từ đầu năm 2024 đến nay và đạt 60% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong năm 2023. Bên cạnh đó, quận 7 đã xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các lĩnh vực kinh tế, đô thị, tài nguyên môi trường, y tế, văn hóa, xã hội.

Thông tin tình hình toàn thành phố, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TPHCM Võ Thị Trung Trinh chia sẻ, TPHCM giao chỉ tiêu số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cho sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức đạt tối thiểu 80%. Để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu trên, thành phố đã xây dựng và đưa vào sử dụng công cụ thực hiện số hóa hồ sơ trong quá trình thụ lý, tích hợp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Đồng thời, tổ chức cấu hình biểu mẫu điện tử đối với 450 TTHC để sử dụng lại thông tin của người dân sau khi xác thực định danh VNeID, giảm thao tác nhập liệu của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thành phố đã sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành thông qua trục liên thông dữ liệu LGSP (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu) của thành phố, như: cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; cơ sở dữ liệu đăng ký và quản lý hộ tịch; cơ sở dữ liệu quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam; cơ sở dữ liệu tài nguyên - môi trường - thuế...

Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Trung Trinh, tỷ lệ số hóa, sử dụng lại dữ liệu của thành phố đạt thấp so với chỉ tiêu đặt ra. Nguyên nhân là chưa kết nối liên thông dữ liệu doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục vụ sử dụng lại dữ liệu trong giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, cấp giấy phép hoạt động doanh nghiệp; dữ liệu hỗ trợ quá trình thẩm định hồ sơ; dữ liệu hộ tịch phục vụ sử dụng lại dữ liệu trong giải quyết thủ tục cấp lý lịch tư pháp và các nhóm thủ tục liên thông có liên quan. Do đó, bên cạnh hoàn thiện các tính năng trên Hệ thống giải quyết TTHC TPHCM, thành phố tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành thực hiện liên thông, kết nối dữ liệu chuyên ngành để phục vụ sử dụng lại dữ liệu, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại thành phố.

Theo https://mic.gov.vn

https://mic.gov.vn/tphcm-tang-toc-so-hoa-du-lieu-tu-co-so-197240716152757975.htm