TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái tại các KCN - KCX
Các đơn vị tham gia phát triển điện mặt trời áp mái tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp sẽ được kết nối hỗ trợ cơ chế tài chính và kỹ thuật.
Chương trình phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo tại các khu chế xuất- khu công nghiệp (KCX- KCN) TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020- 2024 đặt mục tiêu phát triển 1.000 MWp tổng công suất hệ thống điện mặt trời áp mái với 1.000 DN trong các KCX- KCN, khu công nghệ cao (KCNC) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hưởng ứng tham gia.
Để thực hiện mục tiêu này Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP. Hồ Chí Minh (HBA), Ban quản lý các KCN- KCX TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) và Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) đã cùng phát động Chương trình phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo tại các KCX- KCN giai đoạn 2020- 2024 chiều ngày 19/6.
TP. Hồ Chí Minh phát triển điện mặt trời áp mái
Ông Nguyễn Lê Tân- Phó trưởng phòng phát triển năng lượng Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đánh giá: TP. Hồ Chí Minh là một trong những đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm thương mại, công nghiệp, hộ gia đình... cao hơn các thành phố khác.
Đặc biệt, trong bối cảnh hệ thống điện đang nhiều chịu áp lực về đảm bảo về cung ứng điện tiêu dùng và sản xuất ngày càng tăng. Trong khi các nguồn sản xuất điện truyền thống như nhiệt điện, khí điện, thủy điện, hạt nhân... có nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến môi trường. Việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Bé- Chủ tịch HBA cho biết, chương trình phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo tại các KCX- KCN TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2024 đặt mục tiêu phát triển được 1.000 MWp tổng công suất hệ thống điện mặt trời áp mái với 1.000 DN tại các KCX- KCN, KCNC hưởng ứng và lắp đặt hệ thống. Các DN tham gia sẽ được hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật, kết nối những định chế tài chính, tổ chức tín dụng, ngân hàng, đồng thời nâng cao ảnh hưởng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển xuất khẩu cũng như được hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc hòa lưới và mua bán điện mặt trời.
Nếu hoàn thành mục tiêu đề ra, hoạt động này sẽ giúp giảm 10- 15% lượng điện tiêu thụ, góp phần giảm 23 triệu tấn khí CO2, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng đô thị, giảm áp lực ô nhiễm môi trường.
Ông Bé cho biết thêm, điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo đang được Nhà nước khuyến khích phát triển. Đây cũng là lý do nhiều DN chuyên lắp đặt điện mặt trời liên tục hình thành. Hơn nữa, TP. Hồ Chí Minh với 17 KCN - KCX đã có 4.141ha, trong đó 2.700ha đất công nghiệp đã xây dựng 1.500 nhà máy. KCNC có 900ha với khoảng 80 nhà máy. Như vậy, tính toán sơ bộ có khoảng 500 - 1.000ha diện tích mái nhà để lắp đặt điện mặt trời áp mái. Ngoài ra, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhiệt độ trong nhà xưởng sẽ giảm từ 4- 50 C.
Với dư địa lớn, nhiều tính năng ưu việt các KCN - KCX - KCNC trở thành mục tiêu tương đối thuận lợi mà EVN HCMC đang quan tâm hỗ trợ, đấu nối, hòa lưới điện, với chỉ tiêu trước mắt là 100MW vào năm 2020 và 1.000MW cho 5 năm tiếp theo.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh còn đầu tư KCX Linh Trung 3 ở Tây Ninh, KCN Long Hậu ở Long An. Do vậy, Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng hết sức quan tâm chương trình phát triển điện mặt trời áp mái tại các tỉnh thành như Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… để có thể tăng nguồn cung cấp điện năng cho các DN hoạt động trong các KCX- KCN.
Theo đánh giá hiện nay các KCN có lợi thế về diện tích áp lớn, nên nếu đầu tư điện mặt trời, doanh nghiệp sẽ được hưởng lãi kép. Ngoài việc được sử dụng điện miễn phí, khi dôi dư, doanh nghiệp có thể bán cho ngành điện. Về vốn đầu tư, doanh nghiệp có thể thông qua các công ty hỗ trợ vốn, các tổ chức tín dụng mà ngành điện kết nối.
Ông Bùi Trung Kiên- Phó Tổng giám đốc EVN HCMC cho hay: trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới, Việt Nam đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Năng lượng tái tạo với ưu điểm là nguồn năng lượng xanh và sạch, chính là nguồn năng lượng của tương lai gần, có thể dần thay thế các nguồn điện truyền thống. Vì thế việc đầu tư điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo đã có sự nhận thức tích cực ủng hộ và tham gia của các công ty hạ tầng, các DN và nhà máy tại các KCN - KCX - KCNC, những nơi có mái nhà đang chờ đợi sự đầu tư.
Ngành điện lực sẽ giới thiệu một số mô hình điển hình của các nhà máy, các mái nhà đã lắp đặt thành công hệ thống điện mặt trời và giới thiệu các giải pháp tài chính, giải pháp công nghệ và kỹ thuật, các nhà cung ứng thiết bị thuộc tốp đầu trên thế giới, các tập đoàn, ngân hàng, quỹ đầu tư đã thực hiện thành công và đang đồng hành cùng chương trình điện mặt trời áp mái trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
HBA ký kết với các bên nhằm triển khai giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng dụng điện mặt trời áp mái.
TPHCM có lợi thế về khung pháp lý đã hình thành và đang vận hành thuận lợi. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 55 định hướng về điện năng trong thực hiện “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước và chiến lược năng lượng lâu dài, trong đó hết sức khuyến khích điện mặt trời và điện gió. Ngoài ra, có nhiều văn bản pháp lý mà trực tiếp là Quyết định 11, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư 16 và Thông tư 05 của Bộ Công thương, cùng các văn bản cụ thể của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo có sự nhận thức tích cực ủng hộ và tham gia của các công ty hạ tầng, các doanh nhân, DN và nhà máy tại các KCN - KCX - KCNC, những nơi có mái nhà đang chờ đợi sự đầu tư.
Thùy Chi (T/h)