Tràn lan hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử
Thời gian qua, thương mại điện tử đã trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả cho hàng giả, hàng gian, hàng cấm. Trong khi đó, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, thậm chí lỗi thời so với sự phát triển như vũ bão của hình thức kinh doanh này.
Công nghệ giúp việc mua sắm của con người trở nên đơn giản hơn, thông qua các sàn thương mại điện tử. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của mảng này năm nay sẽ duy trì ở mức trên 30% và quy mô tại Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Với sự phát triển mạnh mẽ này, rõ ràng thương mại điện tử đang là phương thức mua sắm thuận tiện, nhanh chóng đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Chỉ cần ngồi ở nhà, trước máy vi tính hay điện thoại thông minh là có thể đặt hàng mua bất kỳ hàng hóa gì. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng lậu.
Hoạt động mua sắm sôi động trên mạng là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái bùng phát mạnh mẽ.
Cùng một sản phẩm giày hàng hiệu, nhưng người bán vài triệu, người lại bán chỉ hơn 200.000 đồng, thậm chí chỉ vài chục nghìn. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hiện nay các sàn thương mại điện tử đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.
Tại Shoppe, sàn thương mại điện tử này chỉ trả tiền cho người bán khi người mua hài lòng với sản phẩm. Người mua cũng có thể trả hàng trong vòng 7 ngày và nếu phát hiện người bán vi phạm có thể chủ động báo cáo qua công cụ tương tác. Đặc biệt, còn có cơ chế trao đổi thông tin nhanh với các cơ quan chức năng và các nhãn hàng.
Bà Ngạc Mai Linh - Giám đốc đối ngoại Shopee Việt Nam nói: "Chúng tôi có cơ chế phối hợp chặt chẽ với bên thứ 3 là các nhãn hiệu. Khi chúng tôi có bất kỳ thông tin nào về các sản phẩm vi phạm sẽ có cơ chế phối hợp nhanh để xử lý vi phạm đó".
Còn sàn thương mại điện tử Sendo cũng đang tích cực sử dụng trí tuệ nhân tạo để sàng lọc những sản phẩm có nguy cơ giả mạo.
"Những tài khoản được mở mới, hay những tài khoản ngay lập tức đăng nhiều sản phẩm lên sàn với giá thấp hơn giá thực tế trong cùng phân khúc là dấu hiệu tốt để chúng tôi đánh giá và loại trừ những nhà bán hàng đó ngay khi họ mở tài khoản", ông Lê Anh Huy - Phó Tổng Giám đốc CTCP Sendo nói.
Chưa bao giờ xu hướng thương mại điện tử nở rộ như hiện nay.
Theo đại diện Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, điểm mấu chốt để ngăn chặn hàng giả, nhái, chống thất thu thuế là phải minh bạch được thông tin của sản phẩm, bao gồm như nhãn mác, xuất xứ, hóa đơn…
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho hay: "Một trong những điều Nghị định 52 sắp tới phải sửa là phải quy định về nhãn hiệu, thông tin sản phẩm trong việc bán hàng thương mại điện tử. Đây là một trong phần trống ban soạn thảo sẽ tập trung nguồn lực để giải quyết".
Đến nay, các sàn thương mại điện tử Việt Nam đã tháo gỡ được hơn 34.000 sản phẩm của 17.000 gian hàng có vi phạm, đồng thời cấm vĩnh viễn bán hàng đối với các gian hàng này.
PV (T/h)