Trung tâm vũ trụ Việt Nam - Việt Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hợp tác với nữ phi hành gia Amanda Nguyễn trong sứ mệnh không gian lịch sử

13:19, 14/04/2025

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) trân trọng thông báo sự hợp tác với nữ phi hành gia người Mỹ gốc Việt Amanda Nguyễn – nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức Phi Chính phủ Rise, trong sứ mệnh không gian lịch sử NS-31 với phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên của Blue Origin. Sự kiện tàu New Shepard bay vào không gian diễn ra vào lúc 8:30 a.m. CDT/13:30 UTC tức 20:30 giờ Hà Nội ngày 14/4/2025 tại Van Horn, Texas, Hoa Kỳ, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong khám phá không gian và mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tổ chức sự kiện theo dõi trực tuyến chuyến bay NS-31 từ 20:00 đến 21:00 tại phòng 903, tòa nhà A6, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.

Link chiếu trực tiếp chuyến bay NS-31 cập nhật tại trang web chính thức của Blue Origin: https://www.blueorigin.com/

Tàu New Shepard của Blue Origin (Nguồn: VNSC)

Amanda Nguyễn – Người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian

Sinh ra tại California trong một gia đình người Việt tị nạn, Amanda Nguyễn lớn lên với giấc mơ chinh phục các vì sao. Là nhà sáng lập tổ chức Rise, cô trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian, mang theo niềm tự hào của cộng đồng Việt Nam toàn cầu. Chuyến bay được tài trợ bởi Space for Humanity, ghi nhận những đóng góp của cô trong giáo dục STEM, đồng thời tôn vinh di sản Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng hành cùng Amanda trong sứ mệnh NS-31 là năm phi hành gia nữ xuất sắc: Aisha Bowe, nguyên kỹ sư hàng không vũ trụ người Mỹ gốc Bahamas; Gayle King, nhà báo nổi tiếng; Katy Perry, ca sĩ và nhà từ thiện; Kerianne Flynn, nhà sản xuất phim; và Lauren Sánchez, phi công trực thăng và nhà báo. Đây là phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ chuyến bay của Valentina Tereshkova năm 1963, thể hiện bước tiến trong bình đẳng giới trong ngành không gian.

Amanda Nguyễn – Người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian (Nguồn: Blue Origin)

Blue Origin và công nghệ tiên phong

Sứ mệnh này được thực hiện trên tàu New Shepard của Blue Origin – một kỳ tích công nghệ do Jeff Bezos sáng lập, nổi bật với khả năng tái sử dụng và đưa con người vượt qua đường Kármán, ranh giới không gian ở độ cao 100 km trên mực nước biển. Chuyến bay suborbital kéo dài khoảng 11 phút, với phi hành đoàn trải qua vài phút không trọng lực ở độ cao tối đa khoảng 105 km, chiêm ngưỡng đường cong của Trái Đất và bóng tối của vũ trụ trước khi hạ cánh an toàn bằng dù tại Tây Texas. Với động cơ BE-3 mạnh mẽ chạy bằng oxy lỏng và hydro, New Shepard không chỉ là biểu tượng của công nghệ tiên phong mà còn là bước đệm cho tương lai du hành vũ trụ thương mại.

Thông tin chi tiết về chuyến bay có thể cập nhật tại website chính thức của Blue Origin: https://www.blueorigin.com/fr-FR/missions/ns-31

Mỗi phi hành gia có một ghế ngồi cạnh cửa sổ trong khoang phi hành đoàn rộng rãi và có áp suất. Cabin có sức chứa sáu người và được kiểm soát môi trường để tạo sự thoải mái (Nguồn: Blue Origin)

Thí nghiệm với 169 hạt sen Việt Nam

VNSC đã cung cấp 169 hạt sen giống (Nelumbo nucifera) – biểu tượng của sự tinh khiết và sức sống mãnh liệt trong văn hóa Việt Nam – để cùng Amanda Nguyễn thực hiện hành trình vượt ra ngoài Trái Đất. Được chọn từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, những hạt sen này sẽ trở về sau sứ mệnh để mở ra các nghiên cứu về ảnh hưởng của không gian lên sự sinh trưởng, góp phần vào khoa học thực vật và khám phá vũ trụ.

Biểu tượng của khát vọng vươn xa

Hành trình của 169 hạt sen lên không gian là một câu chuyện vượt thời gian, nơi hoa sen – loài hoa nở rộ từ bùn lầy – trở thành biểu tượng của lòng kiên định và hy vọng. Trong năm 2025, khi Việt Nam và Hoa Kỳ cùng nhìn lại 50 năm kể từ ngày kết thúc chiến tranh và 30 năm nối lại tình hữu nghị, sự kiện này như một nhịp cầu hòa giải, gắn kết hai dân tộc qua khát vọng chung: gieo những hạt giống ước mơ để vươn tới vũ trụ bao la. Hành trình ấy càng thêm ý nghĩa khi mang dấu ấn của VNSC, với cái tên “lotus” gợi nhắc đến LOTUSat-1 – vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam – minh chứng cho tinh thần vươn xa của dân tộc trong kỷ nguyên không gian.

Các đối tác hỗ trợ

Sự kiện nhận được sự phối hợp từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Các hoạt động tương lai

Sau khi tiếp nhận 169 hạt sen, VNSC sẽ triển khai kế hoạch nghiên cứu và lan tỏa giá trị khoa học đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, nhằm khơi dậy đam mê khám phá không gian.