TS Nguyễn Sĩ Dũng: Chống dịch - cần thiết phải điều chỉnh mô hình

17:38, 07/09/2021

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng sự thiếu nhất quán và những tranh luận vô tận trên mạng xã hội phản ánh một thực tế là chúng ta đang mắc kẹt giữa 2 mô hình chống dịch.

Đến thời điểm này, về cơ bản, có hai mô hình phòng chống dịch có vẻ đang đưa đến thành công. Đó là mô hình của Trung Quốc và mô hình của nhiều nước phương Tây.

Mô hình của Trung Quốc là phát hiện tức thì; truy vết và cách ly triệt để; dập dịch nhanh chóng để đạt được trạng thái zero-COVID.

Mô hình của các nước phương Tây là tìm mọi cách giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19; nhanh chóng tạo ra miễn dịch cộng đồng; thực hiện các điều chỉnh cần thiết để sống chung an toàn với COVID-19.

Tuy nhiên, hai mô hình nói trên đều có những điểm chung. Và hai điểm chung quan trọng nhất là: 1. Chiến lược tiêm chủng nhanh chóng, hiệu quả; 2. Áp dụng tối đa công nghệ 4.0 vào cuộc chiến phòng chống dịch.

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Chống dịch - cần thiết phải điều chỉnh mô hình - 1

Hà Nội đặt mục tiêu 100% người dân từ 18 tuổi được tiêm vaccine COVID-19 trước 15/9.

Các nước phương Tây có đầy đủ năng lực về kỹ thuật và tài chính để áp dụng mô hình của Trung Quốc, nhưng họ lại không có điều kiện về thể chế để làm điều đó. Ngược lại, Việt Nam có điều kiện về thể chế để áp dụng mô hình của Trung Quốc, nhưng có vẻ chúng ta chưa chắc đã có đầy đủ năng lực về kỹ thuật và tài chính.

Thực ra, trong năm 2020, ở giai đoạn đầu của đại dịch, chúng ta cho dù không copy mô hình của ai cả, nhưng đã áp dụng một mô hình rất gần với mô hình của Trung Quốc. Đó là phát hiện nhanh chóng; truy vết và khoanh vùng triệt để; dập dịch nhanh chóng để đạt được trạng thái zero-COVID. Và thực tế là chúng ta đã thành công một cách khá ngoạn mục. Tuy nhiên, khi biến chủng Delta xuất hiện, sự lây nhiễm lan rộng trong cộng đồng, thì mô hình nói trên có vẻ ít còn phát huy tác dụng.

Từ bỏ một mô hình đã mang lại thành công là khó khăn, nhưng càng theo đuổi nó, chúng ta càng hụt hơi, chi phí và tổn thất tăng cao, mà những chuyển biến thực tế thì vẫn chưa thấy rõ.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Sự lúng túng, sự thiếu nhất quán và những tranh luận vô tận trên mạng xã hội phản ánh một thực tế là chúng ta đang mắc kẹt giữa hai mô hình phòng chống dịch. Quả thực, từ bỏ một mô hình đã mang lại thành công là khó khăn, nhưng càng theo đuổi nó, chúng ta càng hụt hơi, chi phí và tổn thất tăng cao, mà những chuyển biến thực tế thì vẫn chưa thấy rõ.

Phải chăng, đây là lúc chúng ta cần phân tích, đánh giá một cách khoa học, khách quan về việc năng lực kỹ thuật và năng lực tài chính, cũng như những tổn thất về kinh tế, xã hội có cho phép chúng ta tiếp tục theo đuổi mô hình cũ hay không?

Xin thử phân tích chủ trương xét nghiệm cho 100% dân cư của TP Hà Nội để thấy những khó khăn về mặt kỹ thuật và tài chính. Trung Quốc xét nghiệm và bóc tách tất cả các trường hợp lây nhiễm cho một thành phố với 10 triệu dân chỉ trong vòng 3 ngày. Hà Nội có làm được như vậy không? Xét nghiệm cho 100% dân cư, thì có bao gồm cả trẻ sơ sinh, cả người bệnh phải nằm liệt ở nhà không? Lấy mẫu cho những người này như thế nào?

Xét nghiệm PCR để phát hiện chính xác người đang mang bệnh sẽ vô cùng tốn kém. Với mức giá 734.000 đồng/1 xét nghiệm, thì xét nghiệm hết cho trên 8 triệu người dân Hà Nội, chi phí sẽ lên đến gần 6 nghìn tỷ đồng. Đó là chưa tính đến chi phí để lấy mẫu. Nếu xét nghiệm để sàng lọc trước theo kháng nguyên thì ít tốn kém hơn, nhưng sẽ phải xét nghiệm hai lần: một lần để sàng lọc, một lần để xét nghiệm PCR.

Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều phải chạy đua với con COVID biến chủng Delta, nếu không xét nghiệm nhanh được như Trung Quốc, thì kết quả xét nghiệm chỉ phản ánh bức tranh chính xác tương đối của 5-7 ngày hoặc 10 ngày trước đó. Với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta, một loạt những người mới bị lây nhiễm đã không được phản ánh trong kết quả xét nghiệm. Và rủi ro dịch bệnh tiếp tục lây lan vẫn không bị loại trừ.

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Chống dịch - cần thiết phải điều chỉnh mô hình - 3

Bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến số 16 do Bệnh viện Bạch Mai vận hành. (Ảnh: Chí Hùng)

Ngoài ra, mặc dù chưa có số liệu chính xác do chưa có nghiên cứu, nhưng không ít chuyên gia cho rằng, quá trình lấy mẫu xét nghiệm không bảo đảm kỹ thuật có thể là một trong những nguyên nhân làm bùng phát lây nhiễm ở TP.HCM. Hà Nội có tránh được vết xe đổ này không?

Chỉ mới phân tích một giải pháp phòng chống dịch bằng cách xét nghiệm cho toàn dân của Hà Nội, chúng ta đã có thể nhận thấy những khó khăn về mặt kỹ thuật và về mặt tài chính là rất lớn. Những khó khăn tương tự cũng sẽ lớn vô cùng đối với hàng loạt các giải pháp khác như khoanh vùng, giám sát việc lưu thông không cần thiết (thực ra nên giám sát việc giao thông không an toàn, chứ không phải không cần thiết), bảo đảm an sinh cho người dân ở các khu phong tỏa…

Một trong những hệ lụy nghiêm trọng khác cũng rất cần được lưu ý. Khi dịch bệnh chưa bùng phát, thì khoanh vùng, phong tỏa ở quy mô nhỏ và trong thời gian ngắn sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực đến nền kinh tế và an sinh của người dân. Tuy nhiên, khoanh vùng, phong tỏa ở quy mô lớn và thời gian dài sẽ giết chết nền kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội.

Chính vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại và bảo đảm thành công, thời gian đã quá chín muồi cho việc điều chỉnh mô hình phòng chống dịch. Trước mắt, phải đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng và áp dụng triệt để hơn nữa công nghệ 4.0 cho công cuộc phòng chống dịch. Đây là điều mà theo mô hình nào thì cũng phải triển khai.

Ngoài ra, cho dù không nhất thiết phải copy hoàn toàn mô hình của các nước thành công ở phương Tây, thì chắc chắn chúng ta vẫn cần phải duy lý và duy lý tối đa trong việc đề ra các giải pháp phòng chống dịch. Cần giãn cách thì giãn cách, cần phong tỏa thì phong tỏa, nhưng không bao giờ được cực đoan. Không thể cần phong tỏa một tổ dân phố, thì cứ phong tỏa cả nửa thành phố cho chắc ăn.

Các giải pháp khác đề ra để phòng chống lây nhiễm cũng vậy. Chống lây nhiễm là để khống chế sự bùng phát làm cho ngành y tế bị quá tải, người bệnh không được cứu chữa kịp thời, chứ không phải để đạt được trạng thái zero-COVID. Cố gắng đạt được trạng thái zero-COVID không chỉ bất khả thi về mặt kỹ thuật, mà còn làm suy kiệt mọi nguồn lực và làm đổ vỡ nền kinh tế của chúng ta.

Cuối cùng, điều chỉnh mô hình phòng chống dịch cũng có nghĩa là đề ra và triển khai có hiệu quả các giải pháp để chúng ta có thể thích ứng với việc sống chung an toàn với COVID. Rất vui, khi gần đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Cuộc chiến này lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng”. Đây rõ ràng là nhận thức quan trọng nhất cho việc chuyển đổi mô hình phòng chống dịch của chúng ta.

Theo/vtc.vn