TS Võ Trí Thành: Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị đáng sống đẳng cấp Châu Á
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để trở thành thành phố biển đáng sống đẳng cấp khu vực châu Á. Trong đó, yếu tố bản sắc sâu đậm nhất làm nên chân dung “thành phố đáng sống” đó là chất riêng của người Đà Nẵng: thân thiện, cởi mở, trung thực, sống tình nghĩa, sẵn sàng tương trợ lẫn nhau.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
Đà Nẵng nhiều lợi thế hơn cả Singapore
Đà Nẵng được định hướng sẽ trở thành thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Theo chuyên gia, Đà Nẵng đã sở hữu những lợi thế gì để có sớm bứt phá trở thành một hình mẫu “thành phố đáng sống” đẳng cấp khu vực?
Đáng sống là khái niệm rất tinh tế chứ không chỉ bắt nguồn từ văn hóa, lịch sử. Đó là nơi để tận hưởng, cống hiến, nghỉ ngơi, giải trí và làm việc. Công dân thành phố được thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ, hàng hóa và tối ưu hóa lao động, thu nhập...
Đà Nẵng có nhiều lợi thế, thậm chí hơn Singapore, nhất là về thiên nhiên. Thực tế, nhiều thành phố đáng đến nhưng chưa chắc đã là nơi đáng sống. Do đó, hay nhất là Đà Nẵng phát triển giống như Singapore, vừa đáng đến, vừa đáng sống.
Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Trình.
Mỗi người có cách hiểu khác nhau về một nơi đáng sống. Lâu nay thông qua các cuộc bình chọn hay thông tin trên truyền thông có thể thấy, có nhiều tiêu chí đánh giá về nơi đáng sống.
Đầu tiên là lối sống. Theo xu thế hiện nay, nơi đáng sống phải đảm bảo các yếu tố: xanh, nhân văn, an toàn, cá tính hoá, cá thể hoá. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu trên thì chưa phải là nơi đáng sống.
Thứ 2 là xu thế đô thị hoá. Mọi người thích sống ở đô thị vì lý do đơn giản: đô thị hóa tạo dựng được vốn xã hội, lúc đó mới có đầu tư, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, sản xuất hàng hóa dịch vụ tốt nhất. Nhất là, nơi đáng sống thì đô thị phải xanh, bền vững, thông minh, an toàn. Và mọi dịch vụ cung cấp cho đô thị đó phải là hệ sinh thái tốt bao gồm y tế, giáo dục, dịch vụ công (gồm cả dịch vụ tiện ích được tư nhân cung cấp).
Thứ 3 là yếu tố bản sắc. Con người Đà Nẵng rất thân thiện, cởi mở, trung thực, sống rất có tình nghĩa, tương trợ lẫn nhau - đó là nét văn hoá có thể cảm nhận được. Nếu thiếu đi bản sắc ấy thì không còn là thành phố đáng sống.
Đà Nẵng thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước nhờ những sản phẩm du lịch được đầu tư quy mô và bài bản.
Thứ 4 là yếu tố môi trường. Thành phố đáng sống có môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường làm việc thuận lợi không, có so sánh với quốc tế được không? Tại Đà Nẵng, chỉ số chuyển đổi số, chỉ số cải cách hành chính đều nằm ở top đầu so với cả nước. Môi trường kinh doanh và làm việc đối với con người rất quan trọng, đó là yếu tố cần để thúc đẩy sự sáng tạo.
Thứ 5, đáng sống là giá trị phải lan toả. Nếu thành phố đáng sống lan toả được thì rất hay. Lan toả tạo ra sự ganh đua, sự cạnh tranh với các địa phương khác và nó góp phần trở thành tiêu chí cho các nơi khác cùng xây dựng “thành phố đáng sống”. Lan tỏa quá trình Đà Nẵng xây dựng thành phố đáng sống ra sao, thu hút các “đại bàng” chất lượng như thế nào. Thu hút những người tài, người giàu cùng đến chung tay cho sự phát triển bền vững của thành phố.
Đà Nẵng phải thu hút được giới tinh hoa
Theo ông, vậy Đà Nẵng cần làm gì để ngày càng đáng đến, đáng sống hơn nữa?
Thực sự Đà Nẵng là TP giàu tiềm năng để hài hòa các yếu tố đáng đến - đáng sống.
Thứ nhất, Đà Nẵng cần thu hút những người đẳng cấp, siêu giàu, chất lượng cao, kỹ năng cao đến sống, làm việc. Đấy là tiêu chí rất quan trọng để đánh giá nơi đáng sống. Vì họ là những người tiên phong, bám xu thế, có những đòi hỏi cao và sức sáng tạo rất tốt.
Thứ 2, tôi cho rằng, trong quy hoạch cần giữ được bản sắc riêng biệt của Đà Nẵng, khai thác tốt các thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên như sông, núi, rừng, biển. Đồng thời, phải có những không gian xứng tầm để làm nơi cư trú lâu dài cho lớp công dân mới kể trên.
Thứ 3, việc thu hút các “đại bàng” – tập đoàn kinh tế lớn là rất quan trọng. Bởi với bề dày kinh nghiệm đầu tư, các “đại bàng” này sẽ tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh đáp ứng mọi nhu cầu của du khách, cư dân từ trải nghiệm, vui chơi, giải trí đến an cư, kinh doanh lâu dài…
Sông Hàn (Đà Nẵng) lung linh trong đêm. Ảnh: Nguyễn Trình.
Nếu chúng ta nghiên cứu tầm nhìn phát triển của Đà Nẵng thì không chỉ là du lịch, dù du lịch là bộ phận hữu cơ, rất quan trọng, là điểm nhấn của Đà Nẵng. Song song tận dụng thế mạnh du lịch, Đà Nẵng cần phải đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, các ngành đổi mới sáng tạo, công nghệ số, dịch vụ logistics... Khi ấy, sẽ giúp thành phố thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao đến sinh sống, làm việc, hiện thực hóa mục tiêu đô thị đáng sống.
Thời gian gần đây, mỗi năm Đà Nẵng đã thu hút 15-16 nghìn người đến nhập cư, tỷ lệ tăng dân số cơ học gần 16%. Khi ngày càng đáng sống hơn, Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục thu hút lượng cư dân “di cư” đến sinh sống, làm việc. Theo chuyên gia, Đà Nẵng nên làm gì để thu hút được cộng đồng cư dân tinh hoa, người tài, người giàu, góp sức cho sự phát triển nhanh, mạnh của thành phố?
Một đô thị đáng sống phải phát triển bền vững, và người dân ở đó phải được hưởng thành quả và hạnh phúc. Tuy nhiên một điểm rất quan trọng chứng minh thành phố đó có thực sự đáng sống, có so sánh được với các đối thủ quốc tế hay không, đó là ở khả năng thu hút giới tinh hoa, người giàu, doanh nhân…
Đà Nẵng đã làm được điều đó. Và để tiếp tục thu hút tốt hơn nữa, tạo nên một cộng đồng cư dân chất lượng cao để gắn bó, cống hiến cho sự phát triển lâu dài, thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm. Đó là phải đáp ứng được những xu thế sống mới: xanh, nhân văn, tiện nghi, đẳng cấp và an toàn, có khả năng chống chịu trước những sự cố có thể xảy ra và giải quyết một cách tốt nhất và nhanh nhất. Đặc biệt, đối với giới tinh hoa, trong đó có giới siêu giàu, thành phố đáng sống phải có hệ sinh thái đảm bảo cho họ 3 điều.
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng tạo sức hút và thương hiệu cho thành phố Đà Nẵng đáng đến. Ảnh: Kim Liên.
Thứ nhất là một cuộc sống tốt nhất, tiếp cận dịch vụ đẳng cấp từ giáo dục, y tế, giải trí, nghỉ ngơi để sống và làm việc. Thứ hai là môi trường kinh doanh phải thuận lợi, để người ta mang tiền về đây đầu tư và chi tiêu. Thứ ba là không gian sống, tận hưởng để người ta thỏa chí sáng tạo. Tôi tin với nền tảng nội lực hiện tại và định hướng tương lai, Đà Nẵng sẽ làm được, trở thành nơi “đất lành chim đậu”.
Để Đà Nẵng trở thành nơi kinh doanh tốt, đầu tư tốt
Bên cạnh đáng đến, đáng sống, Đà Nẵng có thể hướng tới định vị một thành phố đáng đầu tư tầm cỡ châu lục không, thưa ông?
Bản thân Đà Nẵng đã có những tiềm năng, hữu xạ tự nhiên hương. Người ta quan tâm đến Đà Nẵng vì thấy đây là nơi có thể kinh doanh tốt, đầu tư tốt. Nhìn vào quy hoạch chung của Đà Nẵng, có thể thấy dư địa phát triển cực lớn, do đó sẽ có vô số cơ hội đầu tư, kinh doanh và việc làm ở thành phố biển này. Do đó, Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng để trở thành một đô thị đáng đầu tư.
Tuy nhiên, trước khi trở thành nơi đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư của mọi người khắp nơi trong và ngoài nước, Đà Nẵng hãy là nơi đáng đến, đáng đầu tư của các “đại bàng”. Vì sự hiện diện của những tập đoàn lớn sẽ dẫn dắt thị trường đi theo xu hướng phát triển đẳng cấp, văn minh, hiện đại, đồng thời thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác cùng tham gia thị trường. Đây là yếu tố tiên quyết để tạo ra những bước phát triển đột phá, nhảy vọt cho đô thị Đà Nẵng. Hiện thành phố đã thu hút những đại bàng lớn mang quốc tịch Việt và các tập đoàn đa quốc gia như Sun Group, Vingroup, FPT, Samsung hay Lotte… Sự dẫn dắt của những doanh nghiệp top đầu sẽ sớm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư vươn tầm khu vực, trở thành “Singapore thứ hai của châu Á”.
Xin cảm ơn ông!