TTCS có sức mạnh, sự khác biệt căn bản với các hình thức truyền thông khác

15:17, 27/12/2024

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương, đến nay chưa có phương thức truyền thông nào có thể thay thế được Thông tin cơ sở trong việc truyền tải thông tin đến từng hộ dân, đến từng người, nhất là người dân ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Sáng ngày 27/12, tại Hà Nội, Cục Thông tin cơ sở (TTCS), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương tham dự và chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương chủ trì Hội nghị.

Thông tin cơ sở phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở

Báo cáo công tác TTCS năm 2024, Cục trưởng Cục TTCS Nguyễn Văn Tạo cho biết: Năm 2024, TTCS tiếp tục khẳng định được vai trò của hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân và phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Theo Cục trưởng Nguyễn Văn Tạo, tính đến ngày 15/12/2024, cả nước có 9.863 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 96%, tăng 1% so với cùng kỳ, trong đó có 3.775 đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, chiếm 38,3%, tăng 17,5% so với cùng kỳ.

Có 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình huyện, quận, thị xã, thành phố, trong đó, có 625 đài truyền thanh - truyền hình đã sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao hoặc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa cấp huyện chiếm 93,84%, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Cục trưởng Cục TTCS Nguyễn Văn Tạo báo cáo công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Đến nay đã có 8.471 trang thông tin điện tử xã, phường, thị trấn, đạt 79,9%, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023; 2.064 bảng tin điện tử công cộng xã, phường, thị trấn, đạt 20,0%; 4.024 xã, phường, thị trấn có trang OA Zalo thông tin cơ sở là tạo kênh truyền thông tương tác giữa chính quyền cơ sở với người dân, đạt 40%; hơn 200.000 tuyên truyền viên cơ sở ở các thôn, tổ dân phố.

Năm 2024, lĩnh vực TTCS đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, Cục TTCS đã tham mưu Bộ TT&TT xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 quy định về hoạt động TTCS. Đây là lần đầu tiên thể chế quản lý lĩnh vực TTCS được ban hành ở tầm Nghị định, mở ra không gian phát triển mới của hoạt động TTCS; chuyển đổi hoạt động từ thông tin một chiều là chính sang tương tác với người dân, tiếp nhận thông tin phản ánh và thông tin nội dung trả lời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với thông tin phản ánh của người dân.

Cục TTCS cũng tham mưu Bộ ban hành 2 văn bản: Hướng dẫn số 2806/HD-BTTTT ngày 16/7/2024 về hướng dẫn xây dựng, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở; Hướng dẫn số 4568/HD-BTTTT ngày 24/10/2024 về hướng dẫn đánh giá Tiêu chí số 5 về thông tin, truyền thông đô thị.

Cùng với đó, Cục đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ quy định về hoạt động TTCS với 6.110 điểm cầu và 27.521 đại biểu tham dự; Tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương, tôn vinh 120 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong hoạt động TTCS vào ngày 8/10/2024; Tổ chức thiết lập Hệ thống thông tin nguồn TTCS trung ương và kết nối thử nghiệm với 44 hệ thống thông tin nguồn TTCS cấp tỉnh.

Đồng thời, tổ chức đánh giá hoạt động của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện sau khi sáp nhập thành trung tâm; kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chấm dứt hoạt động phát sóng, tiếp sóng chương trình phát thanh, chuyển đổi sang hoạt động truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng; bố trí nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025, ngân sách địa phương để nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng; tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho đội ngũ làm công tác TTCS của cấp huyện.

Cùng với đó là việc thí điểm xây dựng trợ lý ảo và bộ tài liệu hệ tri thức trợ lý ảo lĩnh vực TTCS cập nhật lên hệ thống quản lý tri thức của đơn vị phát triển…

Sáu nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin cơ sở

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, TTCS là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp toàn dân, sử dụng các loại hình thông tin từ đơn giản như tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, đến các loại hình thông tin hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng để phổ biến, cung cấp thông tin sát với nhu cầu của người dân ở từng thôn, bản, tổ dân phố, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Toàn cảnh Hội nghị.

TTCS đã tạo nên sức mạnh, tạo sự khác biệt căn bản với các hình thức truyền thông khác, đến nay chưa có phương thức truyền thông nào có thể thay thế được TTCS trong việc truyền tải thông tin đến từng hộ dân, đến từng người, nhất là người dân ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

“Thực tế cho thấy, qua các cơn bão mạnh gây mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi trên cả nước, nhất là tại các tỉnh miền núi và đặc biệt là cơn bão số 3 Yagi, những người làm công tác TTCS đã không quản ngày đêm khó khăn, vất vả, bằng tiếng nói của người địa phương mộc mạc, gần gũi trên hệ thống truyền thanh, đã truyền đi những thông điệp về bão, lũ, ngập lụt, vận động người dân cùng tham gia với chính quyền giải quyết nhiều vấn đề dân sinh ở cơ sở”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được về công tác TTCS trong thời gian qua, đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, Cục TTCS triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền để chính quyền các cấp nâng cao nhận thức về vai trò của TTCS, quan tâm chỉ đạo tổ chức hoạt động có hiệu quả; thực hiện tốt thông tin hai chiều giữa chính quyền - người dân và người dân - chính quyền trên môi trường số.

Thứ hai, chủ động nghiên cứu tìm hiểu, bám sát thực tiễn địa phương, cơ sở và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước hoạt động TTCS.

Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, thay đổi cách thức quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu về TTCS theo hướng liên thông đồng bộ từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở trên môi trường số, giám sát được hoạt động TTCS ở từng địa phương và trong cả nước...

Thứ tư, chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động của các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện theo hướng đa phương tiện và hội tụ về sản xuất nội dung thông tin. Đồng thời hiện đại hóa quy trình sản xuất nội dung thông tin, sử dụng tối đa nhân lực hiện có của các cơ sở theo hướng một người làm được nhiều việc: khai thác thông tin, sản xuất, biên tập tin, bài, quay video clip, xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, thiết bị hiện đại.

Thứ năm, đổi mới cách thức tổ chức các chiến dịch truyền thông ở cơ sở, đánh giá được hiệu quả tuyên truyền bằng công nghệ; tăng hiệu quả tuyên truyền dựa vào đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông đăng, phát trên nhiều phương tiện truyền tải thông tin, tạo được sự hấp dẫn, thuyết phục người dân.

Thứ sáu, phối hợp tốt với địa phương để tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác TTCS xã, phường, thị trấn, dần tiến xa hơn là cả thôn, bản, tổ dân phố.../.