Từ 6h ngày 21/9, Hà Nội dừng phân vùng và kiểm soát giấy đi đường
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, từ 6h ngày 21/9 sẽ không áp dụng phân vùng và kiểm soát giấy đi đường; không phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Từ 6h ngày 21/9, Hà Nội dừng phân vùng và kiểm soát giấy đi đường.
Chiều 20/9, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố sau khi kết thúc đợt giãn cách thứ tư từ 6h ngày 21/9.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, mục tiêu của thành phố đặt ra đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn từ 6h ngày 21/9, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô; tiếp tục kiểm soát tình hình trên địa bàn thành phố trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước; phấn đấu hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng, đạt miễn dịch cộng đồng; điều chỉnh các biện pháp phù hợp, bảo đảm an toàn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, nguyên tắc chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ 6h ngày 21/9 là không áp dụng phân vùng và kiểm soát giấy đi đường; không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.
Thành phố phân cấp cho UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức hậu kiểm và xử lý các trường hợp vi phạm. Tiếp tục duy trì việc phong tỏa hẹp, quản lý chặt tại các điểm phong tỏa trên địa bàn thành phố. Thành phố đề nghị mọi cá nhân, tổ chức tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp "5K" của Bộ Y tế cũng như các phương pháp bảo vệ cá nhân và cộng đồng. Tuyệt đối không được chủ quan trong khi thành phố dần nới lỏng các hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
“Thành phố rất mong muốn tất cả người dân, doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn TP tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch để giữ vững kết quả đạt được thời gian qua và đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế xã hội” - Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Số ca nhiễm trong cộng đồng giảm mạnh
Thông tin nhanh về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến 6 giờ ngày 20/9), Hà Nội ghi nhận tổng số 4.187 ca. Trong đó, 1.311 ca ngoài cộng đồng; 1.854 ca trong khu cách ly, 760 ca trong khu phong tỏa; 213 ca trong bệnh viện; 49 ca nhập cảnh. Hiện, TP có 10 chùm ca bệnh mới, phức tạp tại quận Thanh Xuân, quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng; huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai, quận Long Biên, huyện Chương Mỹ và huyện Thường Tín.
Rào chắn cứng ngăn người và phương tiện lưu thông tại phường Việt Hưng (Long Biên).
Với sự phối hợp của 12 tỉnh, TP hỗ trợ, TP đã chuẩn bị năng lực 1.000 dây chuyền tiêm chủng (tối đa 1.200 dây chuyền) để đáp ứng cho 200.000 mũi/ngày. Bộ Y tế đã phân bổ vaccine kịp thời và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, được sự ủng hộ của người dân, bình quân mỗi ngày trong chiến dịch đã tiêm được 420.000 - 550.000 mũi tiêm; ngày cao điểm nhất đã tiêm 606.000 mũi.
Kết quả tiêm chủng đến hết ngày 18/9, đã tiêm tổng số 6.432.921 mũi, trong đó số tiêm mũi 1 tiêm 5.671.487 mũi (Hà Nội tiêm 4.945.921, Bệnh viện T.Ư tiêm 725.566 mũi) và đạt 94,2% dân số trong đội tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 68,33% dân số. Số mũi 2 đã tiêm 786.095 mũi đạt 12% dân số trong đội tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 9,2% dân số.
Đối với công tác xét nghiệm, từ ngày 8-15/9 đã lấy tổng số 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch. Qua xét nghiệm đã phát hiện 21 ca dương tính. Từ ngày 16-19/9 đã lấy 90.977 mẫu thường quy và đã phát hiện 47 ca dương tính, còn lại âm tính. Tính đến ngày 15/9, TP đã kích hoạt 22.100 giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Trong công tác điều trị, tính đến 6h ngày 19/9, các cơ sở y tế đã tiếp nhận điều trị 3.960 bệnh nhân F0. Trong đó, đã có 2.702 người ra viện (68% F0); số bệnh nhân đang tiếp tục điều trị 1.017 người. Số bệnh nhân tử vong là 33 người. 24/32 Bệnh viện đã hoàn thiện hệ thống oxy y tế đưa sử dụng được ngay với tổng số khoảng 6.000 giường bệnh có hệ thống oxy y tế đầu giường.
Về công tác quản lý các khu cách ly tập trung (Bộ Tư lệnh Thủ đô), TP đã rà soát 577 khu cách ly y tế tập trung dân sự với khả năng tiếp nhận 118.804 công dân (5 cơ sở cách ly do Quân đội tổ chức/1410 chỗ; 572 cơ sở cách ly dân sự/117.394 chỗ).
“Số ca mắc trung bình tại đợt giãn cách thứ 4 đã giảm mạnh (27,7 ca/ngày so với 71,2 ca/ngày tại đợt giãn cách thứ 1); số ca nhiễm trong cộng đồng giảm (35 ca/ngày tại đợt giãn cách 1 xuống còn 2,7 ca/ngày đợt giãn cách 4), số ca chuyển nặng phải chuyển tầng điều trị giảm, tỷ lệ chữa khỏi tăng. Thành phố cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao” - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết.
Thực hiện quét mã QR Code tại các chốt kiểm soát ra, vào Thành phố
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP Hà Nội dự kiến thu hẹp các chốt kiểm soát ra vào Thành phố đang thực hiện. Cụ thể, trong giai đoạn tiếp theo, duy trì 55 chốt trên địa bàn Thành phố, trong đó có 22 chốt tại quốc lộ ra, vào Thành phố, 33 chốt tại các đường ngang, lối mở giáp ranh với các tỉnh lân cận (trước đó là 23 chốt của các tuyến quốc lộ, 44 chốt đường ngang, lối mở).
Trong quá trình triển khai các chốt kiểm soát ra vào Thành phố từ ngày 24/7 đến nay, Công an TP Hà Nội đánh giá, các chốt kiểm soát cơ bản đã ngăn chặn sự xâm lấn dịch bệnh vào Thành phố, kiểm soát được phương tiện ra vào. Vì vậy, giai đoạn tiếp theo cần duy trì các chốt kiểm soát để bảo vệ thành quả chống dịch. Việc đặt chốt trên nguyên tắc kiểm soát cả chiều vào và chiều ra Hà Nội, kiểm soát chặt người từ vùng có dịch, vùng nguy cơ vào Thành phố.
Trong thời gian tiếp theo, Công an Thành phố tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT để triển khai việc quét mã QR Code tại các chốt kiểm soát; trong kiểm soát người vào Thành phố chú trọng khai báo y tế, xét nghiệm và các yếu tố dịch tễ.
Cùng với đó, Công an Thành phố tiếp tục tổ chức các lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý trường hợp vi phạm, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động tổ COVID-19 ngoài cộng đồng; tiếp tục có phương án bảo vệ, chốt chặt vùng phong toả, cách ly; tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình; bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô đặc biệt là ở giai đoạn hiện nay…
Hà Nội vẫn còn nguy cơ dịch, chưa thể chủ quan
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, những kết quả trong công tác phòng, chống dịch của Hà Nội trong thời gian qua là do sự lãnh đạo của Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng của Thành phố, sự hỗ trợ của 12 tỉnh, thành phố bạn và các bệnh viện tuyến Trung ương, hệ thống y tế tư nhân, các y bác sỹ đã nghỉ hưu, của đội ngũ tình nguyện viên và của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Trên cơ sở kết quả công tác phòng chống dịch, căn cứ tình hình dịch tễ, xác định rõ nguy cơ và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; phối hợp, trao đổi với các tỉnh, thành phố xung quanh, Hà Nội xây dựng và đưa ra những giải pháp trong công tác phòng, chống dịch sau ngày 21/9, trên quan điểm giữ được thành quả phòng, chống dịch, đồng thời phát huy hiệu quả cao hơn và toàn diện hơn trên các lĩnh vực.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.
Cụ thể, Thành phố nới lỏng một số hoạt động và yêu cầu, một mặt quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch để duy trì kết quả, thành quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua; mặt khác tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại và tạo điều kiện cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân; có điều kiện để chuẩn bị và tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện cho ngành y tế Thủ đô, từ nguồn nhân lực, trang thiết bị.
Nhấn mạnh kết quả đạt được vừa qua có sự chung tay, đóng góp rất lớn, chấp nhận rất nhiều khó khăn để có được kết quả này, nhưng Phó Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, kết quả này có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có ý thực tự giác chấp hành, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng mong muốn, ngoài việc thực hiện thông điệp 5K, việc người dân khai báo y tế thường xuyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực tế vừa qua có những ca ho, sốt không khai báo, khi nhập viện mới phát hiện. Nếu khai báo sớm thì sẽ ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Nêu thêm lý do vẫn chưa được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phân tích, mặc dù hiện nay Thành phố đã tiêm vaccine mũi 1 cho trên 94% người trên 18 tuổi đủ điều kiện, đây là tỷ lệ rất cao, nhưng theo yêu cầu của ngành Y tế, trạng thái của Thành phố vẫn chưa thể trở lại "bình thường mới", vì hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2. "Do vậy, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay trở lại cuộc sống bình thường được", đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, Thành phố đang giao các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để tập trung thực hiện sau ngày 21/9. Tiếp tục chuẩn bị phương án tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11/2021, trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh quay trở lại trường cũng như các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại.
PV (T/h)