Vai trò báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

15:13, 08/06/2022

Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn khẳng định báo chí là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng.

Đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư phát biểu tại hội thảo.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã có bài học ý nghĩa trong quán triệt tư duy phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh về báo chí, truyền thông, mà then chốt là vận dụng sáng tạo quan điểm Mác-Lênin trong xây dựng nền báo chí Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam, phù hợp thực tiễn Việt Nam phục vụ lợi ích của dân tộc phù hợp đặc trưng và bối cảnh  toàn cầu.

Binh chủng đặc biệt

Báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Báo chí cách mạng, báo chí của Đảng không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy, càng không phải là công cụ giải trí đơn thuần, mà nó có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng tiến hành cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp xã hội. Nhìn rộng ra, trên thế giới, các thế lực chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội, đều sử dụng báo chí như những công cụ phục vụ cho lợi ích, coi đây là vũ khí lợi hại của họ. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là chiến sĩ cách mạng kiên cường vừa là nhà báo tiên phong mẫu mực, có công lao to lớn trong việc khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Làm báo đối với Người chưa bao giờ là hoạt động nghề nghiệp thuần túy mà là phương tiện để làm cách mạng. 

Đại hội VI của Đảng, mở ra thời kỳ đổi mới đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trong xây dựng Đảng, Tổng Bí thư  Nguyễn Văn Linh đặc biệt chú ý phương châm được thông qua tại Đại hội VI: Hãy dũng cảm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”. Tổng Bí thư nhấn mạnh, thực hiện đổi mới phải gắn liền với việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, tháo gỡ ách tắc phải đi đôi với kiên quyết loại trừ những kẻ đã từng lợi dụng cơ chế bảo thủ, quan liêu để kiếm lợi, làm rối loạn kỷ cương phép nước. Để chống tiêu cực, đồng chí Nguyễn Văn Linh nghĩ về binh chủng đặc biệt quan trọng trong công tác tư tưởng là báo chí. Chọn “binh chủng” báo chí để chống tiêu cực. Tổng Bí thư đã đi tiên phong trên mặt trận này. Ngày 25/5/1987, Báo Nhân Dân đăng trên trang nhất bài viết với hàng tít đậm “Những việc cần làm ngay”, của tác giả N.V.L. Theo tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, đã khai thông mạch chảy của báo chí nước nhà trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “thế lực nội xâm”, giúp cho quần chúng biết nghị quyết của Đảng, hiểu nghị quyết của Đảng, đấu tranh chống những kẻ làm không đúng, gây oan ức trong nhân dân.

Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII xác định, vai trò của báo chí được nhấn mạnh:  Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền. 

Có thể khẳng định, quá trình đổi mới, với sứ mệnh của mình, hệ thống báo chí nước nhà đã thể hiện vai trò binh chủng đặc biệt, là lực lượng xung kích trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thứ “giặc nội xâm” của đất nước. Báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng đã tập trung nêu bật những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; thông tin kịp thời những sai phạm của cán bộ, đảng viên được Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp kết luận, xử lý; đồng thời, tổng hợp “bức tranh toàn cảnh về phòng, chống tham nhũng”; phân tích, rút ra bài học từ thực tiễn để định hướng dư luận, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo; về tầm quan trọng cũng như những khó khăn của cuộc đấu tranh này... Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được nâng lên, tạo sự chuyển biến nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về nguy cơ, tác hại của tham nhũng, tiêu cực đối với việc giữ vững an ninh chính trị, ổn định đất nước. Thông qua báo chí, công tác tuyên truyền góp phần tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, bạn đọc, nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. 

Một số vấn đề và yêu cầu đặt ra 

Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với quyết tâm, hào khí đưa các chủ trương, định hướng, mục tiêu tổng quát nhiệm vụ được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, thành hiện thực.

Trong khi đó, các thế lực thù địch trong nước và nước ngoài đã và đang cấu kết chặt chẽ với nhau, lợi dụng quyền dân chủ trong thông tin, khai thác sâu công nghệ truyền thông, “mở mặt trận” tuyên truyền những nội dung thông tin sai trái, xuyên tạc sự thật, vu khống, bôi nhọ, nói xấu chế độ, chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, Nhà nước, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng, nhân dân. Âm mưu, phương thức, thủ đoạn mà chúng sử dụng hiện nay hết sức tinh vi và nham hiểm. Hoạt động chống phá cũng diễn ra có bài bản, được che đậy một cách khéo léo, tinh vi. 

Để góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội đất nước, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước ta xác định là một việc quan trọng, cấp thiết. Đảng ta đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với các giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó trọng tâm là phải ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Mới đây, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sự phối hợp của các cơ quan khối nội chính và bảo vệ pháp luật, cùng một số cơ quan báo chí của Trung ương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo nên “lưới trời lồng lộng” mang ý chí của Đảng, tâm nguyện của nhân dân. Liên quan đến vụ Việt Á, không chỉ có các vị thứ trưởng mà các vị bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đang trong quy trình xử lý kỷ luật nghiêm khắc… Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định đang là thời kỳ chuyển từ giai đoạn “phòng ngự” sang “tiến công”, khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, liên tục và ngày càng quyết liệt hơn”. Hiện, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực triển khai, thực hiện kế hoạch kiểm tra về lĩnh vực này tại các tỉnh ủy, thành ủy, các bộ, ngành. Ban Bí thư ban hành Quy định 67-QĐ/TW (ngày 2/6/2022) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quá trình này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên với niềm tin về bước đột phá mới trong cuộc chiến chống giặc “nội xâm”. Từ đó, những cán bộ, đảng viên  bất kể ở cấp nào thoái hóa, biến chất, sẽ được phát hiện sớm, xử lý nghiêm.  

Trong xu thế, dòng chảy đó, báo chí nước nhà cần bám sát, tiếp tục phát huy hiệu quả chức năng tư tưởng; định hướng; giáo dục; quản lý, giám sát xã hội; chức năng giải trí. Thông qua đó truyền bá hệ tư tưởng của Đảng, đó là chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời truyền bá Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng; chủ động, tích cực phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về hệ tư tưởng của Đảng, từ đó không ngừng nâng cao giác ngộ cách mạng, tự giác cách mạng, đồng thời bồi dưỡng niềm tin, tình cảm cách mạng và cổ vũ hành động cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn và phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch; định hướng, tác động, giúp đỡ để công chúng hiểu đúng các chủ trương, chính sách, các sự kiện, hiện tượng xảy ra trong xã hội, để có thái độ, hành vi đúng đắn, phù hợp. Báo chí cần kết hợp tốt giữa biểu dương và phê phán; coi trọng phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng, hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, trong xã hội thời kỳ mới. Trên mặt trận này, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chủ động nhận diện, phê phán, phản bác, làm thất bại các quan điểm sai trái, thù địch, chăm lo xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa, xã hội lành mạnh. 

Cần thấy rằng, đã xuất hiện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên trong cơ quan báo chí. Sự thoái hóa, biến chất ấy được thể hiện ở thái độ về chính trị, chạy theo chủ nghĩa cơ hội, xuất hiện nguy cơ tách rời định hướng của Đảng với quyền tự do báo chí, tách rời hoạt động của Đảng khỏi cuộc sống của nhân dân; sử dụng quyền tự do báo chí để phục vụ các “nhóm lợi ích”, thiếu đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận người làm báo, sự thiếu trách nhiệm, bất cập trong công tác chỉ đạo, quản lý của một số cơ quan chủ quản báo chí... Do đó, các cơ quan báo chí trước hết “tự làm sạch mình”, đi vào rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ; không ngừng đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ các cơ quan báo chí, trong lực lượng người làm báo. Các cơ quan báo chí, hội nhà báo và các cơ quan quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo báo chí cần đấu tranh mạnh mẽ với những hiện tượng thiếu lành mạnh trong hoạt động báo chí. 

Báo chí cần coi trọng việc kết hợp với các hình thức truyền thông mới trong thông tin, tuyên truyền. Đầu tư đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, gắn liền với phát triển các Tập đoàn báo chí đa phương tiện đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội trong kỷ nguyên số. Gắn liền với đó, cần có cách thức tuyên truyền sinh động, hấp dẫn để phản ánh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, động viên trí tuệ và sự đóng góp của toàn xã hội, bạn bè quốc tế trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; góp phần thắt chặt tình hữu nghị, sự hợp tác nhiều mặt của nước ta với cộng đồng quốc tế...

Theo/nhandan.vn